Học làm quan xã

Cập nhật: 20-01-2010 | 00:00:00

 

Hàng chục bạn trẻ tham gia lớp học do thành phố Đà Nẵng tổ chức với mong muốn đứng tên vào đội ngũ cán bộ nguồn chức danh lãnh đạo xã phường trên địa bàn.

 

Rèn kỹ năng hùng biện

 

Hơn bảy giờ, lớp học có cái tên khá dài Đào tạo nguồn cán bộ cho các chức danh Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường xã trên địa bàn TP Đà Nẵng (thường gọi Đề án 89) tại trường Chính trị TP Đà Nẵng (quận Sơn Trà) đã đông đủ học viên để bắt đầu tiết học mới - Một số vấn đề cơ bản về nghiệp vụ hành chính ở Việt Nam.

 

Bạn Võ Quốc Lộc (sinh năm 1987, Quế Sơn, Quảng Nam) cho biết: “Mình vừa tốt nghiệp ngành kinh tế chính trị ở ĐH Khoa học Huế là tham gia xét tuyển vào lớp học. Những kiến thức ở trường và thực tế ở địa phương nhất là cơ sở phường, xã thấy cách nhau nhiều quá nên không khỏi bỡ ngỡ nhưng rồi càng học càng thấy tích lũy và trưởng thành nhiều hơn”.

 

Lớp học có 55 học viên, chủ yếu là các bạn trẻ mới công tác tại một số đơn vị hành chính, hoặc vừa tốt nghiệp các trường ĐH chính quy với yêu cầu học lực khá trở lên, đạo đức, chính trị tốt, không phân biệt hộ khẩu thường trú...

 

Anh Lê Thành Quyết (24 tuổi), lớp trưởng Đề án 89 khóa 2 kể: “Dù có thời gian công tác tại phòng nội vụ huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) nhưng tham gia lớp học mình cũng thấy những chức năng, nhiệm vụ công việc của một lãnh đạo xã phường là không ít, không đơn giản... Chúng mình được đào tạo từ những vấn đề cơ bản của hành chính đến các thao tác, kỹ năng căn bản, phong cách người lãnh đạo”.

 

Ngay từ đầu, các học viên rèn luyện thái độ nghiêm túc, nề nếp trong giờ giấc và học tập.

 

Cùng trao đổi để tích lũy thêm kinh nghiệm thực tiễn

“Các bạn trẻ đều là những người có năng lực, sáng tạo, đam mê được cống hiến và mong muốn góp phần vào sự phát triển chung của thành phố. Tuy nhiên, trước hết phải rèn luyện thái độ nghiêm túc nề nếp trong giờ giấc học tập; tạo các phương pháp kỹ năng ngay từ cách ăn nói, như khả năng diễn đạt bằng lời nói, năng lực xử lý tình huống, ứng xử văn hóa...” - Cô Phan Thị Mỹ Dung - Chủ nhiệm lớp Đề án 89 khóa hai cho biết.

 

Hun đúc nhiệt tình

 

Trung bình, mỗi học phần chia làm 5 buổi, ngoài thời gian học lý thuyết, các học viên còn được bố trí các buổi thực tiễn, tự nghiên cứu và kiểm tra trên lớp. Theo học viên Bùi Trung Điệp (27 tuổi, Đại Hiệp, Đại Lộc, Quảng Nam), bạn rất ấn tượng với những giờ thảo luận vì đó là cách để các học viên bày tỏ năng lực, sáng tạo của mình.

 

Như trong học phần Chương trình xây dựng “Thành phố năm không”, “thành phố ba có”, “thành phố môi trường” ở Đà Nẵng, học viên được dạy về các nội dung, giải pháp chung của các chương trình này nhưng đồng thời được chia thành các nhóm để thảo luận, cùng đưa ra những ý kiến riêng phù hợp với các tình huống của từng địa phương, cơ sở...

 

Điều đặc biệt của khóa học là nội dung chương trình được Ban tổ chức Thành ủy Đà Nẵng phối hợp với trường Chính trị thành phố thiết kế theo một giáo án riêng.

 

Ông Bùi Văn Tiếng - Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, nhận định: Điểm mới của Đề án  89 này là hết sức chú trọng vấn đề tạo động lực học tập cho người học, để đào tạo nguồn cán bộ chất lượng cho xã phường. Do đó cần hình thành tác phong lãnh đạo, đạo đức công vụ, ý thức sẵn sàng vì dân vì sự nghiệp chung.

 

Đặc biệt, chương trình không ngừng nuôi dưỡng trong mỗi học viên hoài bão, ngọn lửa nhiệt tình được phục vụ nhân dân cách trực tiếp ngay ở xã phường...

 

Tại lễ Bế giảng tổ chức 15 - 1 vừa qua, 95 học viên khóa 1 Đề án 89 được trao bằng Trung cấp Chính trị - hành chính, trao giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo do Ban thường vụ Thành ủy cấp và được chọn nhiệm sở công tác ngay trong lễ bế giảng, hưởng lương 2 triệu/tháng.

 

Đặc biệt, 5 học viên tốt nghiệp thủ khoa được xét tuyển vào biên chế, hưởng tiền lương ưu đãi (2,5 triệu đồng/tháng), trường hợp là đảng viên, các học viên này sẽ được giới thiệu vào ban chấp hành đảng ủy phường xã và giữ chức vụ phó bí thư đảng ủy phường xã ngay khi về nhận công tác.

 

Theo ông Tiếng, Đề án 89 không hoàn toàn có chuyện đã học là tốt nghiệp, hoặc sau khi tốt nghiệp được đưa vào quy hoạch là nhất định được bố trí vào chức danh. Chỉ những học viên có chí tiến thủ, có đủ năng lực tự khẳng định mình khi được đưa về công tác ở phường, xã thì mới có thể được giao trọng trách đúng theo mục tiêu đã đề ra.

(Theo Tiền Phong)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=388
Quay lên trên