Học nghề: Quyết định đúng cho tương lai

Cập nhật: 05-05-2014 | 00:00:00

Trong hội thảo đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục mới đây, cho thấy số liệu thống kê cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp ngày càng nhiều. Thực trạng này chứng tỏ chúng ta đang đào tạo tràn lan bậc đại học (ĐH) mà chưa quan tâm đến nhu cầu thị trường lao động đang cần gì và thiếu gì. Thực tế những năm gần đây cho thấy, ĐH không còn là sự lựa chọn tối ưu với tất cả học sinh (HS). Đã đến lúc HS nên tự đánh giá năng lực học tập, hoàn cảnh gia đình và nhu cầu của thị trường lao động hiện nay để quyết định chọn cho mình một nghề phù hợp nhất, hơn là cứ chăm chăm vào các trường ĐH.

 Chọn lối đi riêng

Hầu như trong bất kỳ mùa tuyển sinh nào, các thầy cô giáo, các chuyên gia tư vấn hay trên các phương tiện truyền thông đều có chung lời khuyên cho các em HS cuối cấp 2, 3 là không phải chỉ có đậu ĐH mới là con đường duy nhất để vào đời. Ngoài giảng đường ĐH, các em vẫn còn những con đường khác để bước đến tương lai. Và đi đường vòng đang là sự lựa chọn sáng suốt của nhiều bạn trẻ.  

 Chọn học nghề là chọn con đường đi ngắn và hiệu quả (Ảnh chụp tại trường Trung cấp Kinh tế công nghệ Đông Nam). Ảnh: N.THANH

Bạn Trần Hữu Tùng, từng là HS trường THPT Võ Minh Đức (TP.TDM) là một ví dụ. Tùng đang học năm thứ 2, ngành quản trị kinh doanh của trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Tùng quyết định bảo lưu kết quả và chuyển sang học nghề sửa chữa ô tô tại trường Cao đẳng (CĐ) Kỹ thuật Cao Thắng. Tùng tâm sự: Em cũng suy nghĩ kỹ lắm rồi mới quyết định như vậy. Thấy nhiều anh chị khóa trước học quản trị kinh doanh xong ra trường mấy năm không xin được việc làm, có người cũng xin được nhưng lại làm trái nghề hoàn toàn. Trong khi đó, nghề sửa chữa ô tô lại đang rất thiếu thợ có tay nghề cao. Với lại em thấy hiện tại nhu cầu mua và sử dụng ô tô rất lớn nên chắc chắn nhu cầu chăm sóc và sửa chữa cũng tăng lên. Em định là sau khi học xong em sẽ xin vào các hãng lớn để tích lũy kinh nghiệm. Sau này nếu có điều kiện, em sẽ mở một gara nho nhỏ.

Không riêng trường hợp của Tùng, trong thực tế, có nhiều người thành đạt bằng những quyết định tưởng chừng “dở hơi” như thế. Giống như trường hợp của bạn Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, ngụ tại phường Thuận Giao, TX.Thuận An. Năm 2008, dù đủ điểm đậu vào khoa Ngữ văn của trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, nhưng Hạnh quyết định không học mà lại đăng ký thi vào ngành Trung cấp Dược của trường CĐ Y tế Bình Dương. Hiện tại Hạnh đang làm việc tại nhà thuốc của một bệnh viện lớn trong tỉnh với mức thu nhập rất khá.

Ngắn nhưng hiệu quả

Có một thực tế mà ai cũng phải công nhận là, nhiều ngành học ở bậc trung cấp, CĐ ra trường là có việc làm ngay. Thời gian học ngắn, chi phí học thấp nhưng các em vẫn không chịu vào học. Vậy nhưng nhiều năm qua, nhiều ngành học tại các trường CĐ, TCCN trong tỉnh tuyển mãi vẫn không đủ chỉ tiêu. Để tuyển được nhiều thí sinh, các trường còn rộng cửa mời gọi cả những thí sinh rớt tốt nghiệp THPT mà vẫn không tránh khỏi cảnh đìu hiu, vắng vẻ.

Theo các Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động và theo quy hoạch phát triển ngành nghề của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thì một số ngành có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực như: xây dựng, kiến trúc, cơ khí, sửa chữa ô tô, xe máy, điện - điện tử - điện công nghiệp - điện lạnh, in ấn, bao bì, xuất bản… Nhu cầu này cho thấy, thí sinh chọn học nghề sẽ không lo thất nghiệp.

Bà Phan Thị Trung, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn An Ninh (TX.Dĩ An) cho biết: Những năm gần đây, khi chọn ngành nghề, chọn trường đăng ký dự thi, HS đã biết tự lượng sức để có sự lựa chọn phù hợp. Đó là nhờ công tác tư vấn tuyển sinh được quan tâm, tổ chức tốt, theo hướng không chỉ chú ý tư vấn về tuyển sinh ĐH mà còn hướng dẫn HS định hướng nghề nghiệp tương lai. Qua đó, giúp các em chọn trường thi phù hợp với năng lực của mình. Nhiều em sau khi tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh về, tự đánh giá được thực lực của mình nên đã xin rút lại hồ sơ đăng ký dự thi ĐH. Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp, những em rớt tốt nghiệp sẽ được định hướng đăng ký học nghề ở các trường trung cấp để vừa được đào tạo nghề, vừa được học văn hóa để thi lại lấy bằng tốt nghiệp phổ thông. Theo tôi, chọn hướng vào trường nghề là chọn con đường đi ngắn hơn và sớm có việc làm.

Ông Đặng Thành Sang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cũng nhận định: Việc cử nhân phải đi học lại trường nghề cho thấy xã hội, doanh nghiệp đang tiến đến xu thế tuyển người không dựa vào bằng cấp mà căn cứ vào thực lực của ứng viên. Trước đây có thể tuyển người dựa vào bằng cấp nhưng bây giờ, doanh nghiệp coi trọng khả năng về nghề hơn. Nền kinh tế hiện nay chỉ cần một người thầy, hàng chục, hàng trăm người thợ chứ không phải ngược lại. Nếu các em nắm rõ năng lực của mình, chọn cho mình một nghề mà mình yêu thích để học tập, để theo đuổi thì sau này chắc chắn sẽ thành công mà không nhất thiết phải bằng con đường vào ĐH.

  NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=349
Quay lên trên
X