Học ngoại ngữ: Làm sao cân bằng?

Cập nhật: 16-11-2010 | 00:00:00

Con số thống kê gây shock ở một số trường đại học cho thấy số sinh viên (SV) tốt nghiệp chưa đạt chuẩn hay còn “nợ” học phần ngoại ngữ rất cao. Nhiều SV đau khổ vì ra trường được nhiều năm nhưng không lấy được bằng vì chưa “thoát nợ” môn tiếng Anh. Phải chăng có sự mất cân bằng trong việc học ngoại ngữ ngay từ thời phổ thông?

Nguyễn Văn T. cựu SV trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM nhớ đến những ngày tháng học tiếng Anh ở giảng đường mà gương mặt đau khổ đến cùng cực. Từ miền Hà Tĩnh khăn gói vào TP.HCM học đại học với niềm hăm hở của bản thân và niềm tự hào của cả xóm. Hai năm đầu học đại cương, ngoài những học phần khác tiếng Anh là môn học bắt buộc. Vì thời phổ thông chỉ học tiếng Anh hệ 3 năm nên khi tiếp cận với chương trình Headway lạ lẫm, T. trở nên khốn khổ. Dù đã cố gắng “lấy cần cù bù năng khiếu” nhưng cứ đến đầu mỗi học kỳ là T. phải đối mặt với bảng điểm; trong đó môn tiếng Anh dưới 5. Thế là lại ôn bài, học thêm học bớt để trả “nợ” cho kỳ được. Dù vậy, ra trường được hơn 2 năm, nợ vẫn hoàn nợ.

Tương tự là trường hợp Bùi Đình V. SV trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Thời phổ thông trường Văn học ở Thái Bình không dạy tiếng Anh, khi học đại học phải làm quen với chương trình tiếng Anh trình độ A, B khiến V. vô cùng đau khổ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, V. cố gắng đi làm gia sư kiếm tiền đến các trung tâm ngoại ngữ học lại, dù vậy V. cũng không thoát khỏi nỗi khổ thi lại, học lại. Bạn bè cùng lớp thấy V. và một số trường hợp tương tự quá vất vả, lao đao với việc học tiếng Anh nên “cứu bồ” bằng đủ cách thức rất “sinh viên”. Những ai học khá môn này, trong phòng thi phải có trách nhiệm “chỉ bảo” sao cho bạn “thoát nạn”. Thế nhưng, do đề thi trắc nghiệm có khi lên đến 7 bộ mà giáo viên coi thi ngày càng “gắt” thành ra con số SV được cứu vớt qua “ải” không là bao, cứ mỗi học kỳ danh sách rớt vẫn như sung rụng.

Nhìn vào một lớp học gần 100 SV nhưng cuối kỳ có xấp xỉ 40% SV thi lại tiếng Anh mỗi năm ở các trường để thấy rằng chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở các trường phổ thông, đặc biệt là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa có sự mất cân bằng đáng kể.

Trao đổi về nghịch lý trên nhiều giáo viên Anh ngữ nhận định: Việc dạy và học tiếng Anh cũng như một cây xanh, có gốc thì mới có ngọn. Đại học như ngọn cây, nơi kiểm chứng và phát triển vốn tiếng Anh đã được học. Muốn giỏi tiếng Anh thì công tác giảng dạy bộ môn này ngay từ thời tiểu học, trung học cơ sở phải được quan tâm, chú ý bởi ở độ tuổi này khả năng tiếp nhận ngoại ngữ của học sinh rất cao. Tuy nhiên, bên cạnh việc đầu tư hơn nữa để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ cũng cần kết hợp hài hòa, cân bằng với các bộ môn khác. Cũng như vậy, đạo đức, nhân cách của học sinh cũng cần quan tâm, giáo dục vào thời điểm này.

TÂM TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X