Với lý do chi phí đầu vào tăng, nhiều đại học ngoài công lập đồng loạt tăng học phí trong năm 2010. Giữ kỷ lục về mức thu cao là trường RMIT (150 triệu đồng), tiếp đó là Quốc tế Sài Gòn 96-105 triệu đồng một năm.
Đứng đầu trong danh sách là ĐH Quốc tế RMIT (100% vốn nước ngoài) với mức học phí 150 triệu đồng một năm học (gồm 10 tháng). So với năm 2009 mức học phí này tăng đáng kể, tương đương với gần 7.900 USD một năm.
Tiếp đó là ĐH Quốc tế Sài Gòn với mức thu 37 - 42,5 triệu đồng (chương trình dạy bằng tiếng Việt) và 96-105 triệu đồng (chương trình tiếng Anh). Mức thu này tương đương với năm học trước.
Một giờ học của sinh viên ĐH FPT
Đứng thứ ba là ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM với mức thu 55 triệu đồng một năm, tăng 10 triệu đồng so với năm ngoái. Trước đó trong cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh 2010", nhiều thí sinh ngạc nhiên khi thấy mức học phí của trường giảm từ 45 triệu xuống còn 14 triệu. Phía trường xác nhận số liệu này là sai.
Còn ĐH FPT cũng dự kiến thu của mỗi sinh viên 40 triệu đồng cho một năm đào tạo của cả 3 ngành Tài chính Ngân hàng, Công nghệ Thông tin và Quản trị Kinh doanh. Ngoài 100 suất học bổng Nguyễn Văn Đạo trị giá 9.900 USD một suất, trường còn dành hàng trăm suất học bổng dành cho học sinh có điểm thi cao...
Trong khi ĐH Hoa Sen và Thăng Long tăng học phí thêm 3 triệu đồng, lên mức 16,5 - 22,5 triệu đồng và 14 - 15 triệu đồng một năm thì ĐH Nguyễn Trãi và ĐH Quốc tế Bắc Hà vẫn giữ nguyên mức thu lần lượt là 15 triệu và 19 - 20 triệu đồng.
Đáng lưu ý, dù tỷ lệ sinh viên trên giảng viên và diện tích xây dựng đều không đạt quy định của Bộ GD&ĐT nhưng ĐH Ngoại ngữ Tin học TP HCM vẫn tăng thêm 1,5 triệu đồng, lên mức 11,5 triệu đồng một năm.
ĐH Võ Trường Toản tăng mức thu từ 4,9 triệu lên 7,5 triệu đồng; ĐH DL Kỹ thuật Công nghệ TP HCM tăng từ 86, triệu lên 11 triệu đồng; ĐH DL Duy Tân tăng thêm 3,6 triệu đồng; ĐH Kinh tế Công nghiệp Long An tăng thêm 3 triệu đồng; ĐH Công nghệ Sài Gòn tăng thêm 2 triệu đồng một năm...
Chiều 16-3 trao đổi với VnExpress.net, Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Văn Ngữ cho hay, theo Luật Giáo dục, các trường ngoài công lập tự quy định mức học phí trên cơ sở đảm bảo chi phí đào tạo, tương xứng với chất lượng và điều quan trọng nhất phải công khai khoản thu này để người học, cơ quan quản lý và xã hội kiểm tra, giám sát.
Cũng theo ông Vụ trưởng, Bộ GD&ĐT vẫn thường xuyên đi kiểm tra việc thu chi học phí của các trường cũng như điều kiện để đảm bảo chất lượng đào tạo. "Sau khi trường công khai học phí, người học tự quyết định việc chọn trường. Do đó, một số trường thu học phí cao nhưng vẫn có sinh viên", ông Ngữ nói.
Theo VNE