Học sinh đi xe đạp điện: Cần trang bị kiến thức an toàn giao thông

Thứ tư, ngày 03/11/2010

Bước vào năm học mới 2010-2011, tình trạng học sinh (HS) đến trường bằng xe gắn máy, xe đạp điện (XĐĐ) không đội mũ bảo hiểm (MBH) lại xảy ra khá nhiều trên đường phố. Vào những giờ tan trường, hình ảnh các cô cậu HS phóng xe chạy bạt mạng hoặc dàn hàng hai, hàng ba trên đường trở thành nỗi lo sợ của những người tham gia giao thông.

Có ai xử phạt mà sợ?

Trong những năm qua, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã ban hành nhiều văn bản cấm HS đi học bằng xe máy; HS đi xe máy điện, XĐĐ đến trường phải đội MBH... Tuy vậy, bất chấp quy định này, tại nhiều trường học trên địa bàn tỉnh, tình trạng HS đi xe gắn máy, đi XĐĐ đến trường không đội MBH xảy ra khá phổ biến.

  Vẫn còn tình trạng học sinh đi xeđạp điện chưa đội nón bảo hiểmỞ trường THPT T. (Thuận An), hàng ngày cũng có hàng chục HS sử dụng XĐĐ, xe gắn máy để đi học. Và tuyệt nhiên, các HS ở đây cũng không đội MBH khi lưu thông trên đường. Khi được hỏi về quy định đi XĐĐ cũng phải đội MBH, một HS của trường lắc đầu tỏ vẻ không thích nói: “Đi XĐĐ mà đội mũ bảo hiểm gì”.

Hiện nay, tốc độ trung bình của XĐĐ là 30-40km/giờ, chưa kể nhiều chủng loại xe tốc độ tối đa có thể lên 50 - 60km/giờ, không thua gì xe gắn máy. Như vậy, XĐĐ và xe gắn máy chỉ khác nhau ở kiểu dáng bên ngoài, chứ tốc độ của cả hai loại xe gần như hoàn toàn giống nhau. Vậy làm sao có thể bảo đảm học sinh đi XĐĐ không gây ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng không thua gì xe gắn máy? Trong khi điều khiển xe gắn máy thì phải là có bằng lái xe, khi đi trên đường bắt buộc phải đội MBH. Còn đối tượng đi xe đạp điện chủ yếu là HS thì không thấy quy định gì ngoài đội MBH (theo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) có hiệu lực từ ngày 1-7 bổ sung quy định bắt buộc đội MBH đối với người ngồi trên XĐĐ). Nhưng tình trạng các em HS đi XĐĐ không đội MBH vẫn còn đang diễn ra khá nhiều, vậy mà ít khi thấy các em HS bị thổi còi xử phạt?

Cần tăng cường xử lý học sinh vi phạm

Xoay quanh vấn đề HS tham gia lưu thông đúng Luật GTĐB, để bảo đảm an toàn giao thông, thầy Nguyễn Trọng Thi, Bí thư Đoàn trường THPT Trịnh Hoài Đức cho biết: “Để hạn chế, ngăn ngừa tình trạng HS đi xe gắn máy, XĐĐ không đội MBH đến trường, trong các giờ chào cờ đầu tuần, Ban Giám hiệu (BGH) nhà trường đã phổ biến tuyên truyền để cho HS nghiêm chỉnh chấp hành Luật GTĐB, cũng như quy định của ngành GD-ĐT và yêu cầu HS ký giấy cam kết không vi phạm. Ngoài ra, BGH nhà trường làm việc với các hàng quán khu vực xung quanh trường, đề nghị họ không tổ chức giữ xe gắn máy cho HS. HS vi phạm, BGH nhà trường sẽ xử lý nghiêm khắc nhằm răn đe, giáo dục”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Để hạn chế tình trạng HS vi phạm Luật GTĐB, vừa qua Sở GD-ĐT đã yêu cầu ban giám hiệu các trường tăng cường tuyên tuyền, nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông đối với HS. Bên cạnh đó, các trường thành lập lực lượng kiểm tra xử lý HS vi phạm. Với những trường hợp vi phạm, nhà trường cần tổ chức phê bình trong buổi lễ chào cờ đầu tuần, nhằm răn đe, làm gương cho những HS khác”. Tuy vậy, bên cạnh sự nỗ lực của ngành GD-ĐT, thiết nghĩ lực lượng Cảnh sát giao thông cũng cần thường xuyên tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử phạt những trường hợp HS đi xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện lưu thông trên đường mà không đội MBH. Có vậy, mới giảm được tình trạng học sinh vi phạm Luật GTĐB như hiện nay.

THOẠI PHƯƠNG