Học sinh phổ thông có nên sử dụng điện thoại di động?

Cập nhật: 05-11-2010 | 00:00:00

Vài năm trở lại đây, trào lưu sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) ngày càng phổ biến ngay cả trong giới sinh viên - học sinh (SV-HS) phổ thông với tốc độ phát triển nhanh. Tuy nhiên, việc sử dụng ĐTDĐ trong HS-SV đang trở thành vấn đề tranh cãi bởi sử dụng ĐTDĐ trong giờ học có thể ảnh hưởng đến sự tập trung của các em, đặc biệt, gần đây xảy ra nhiều vụ học sinh dùng ĐTDĐ quay những cảnh “nóng”, cảnh đánh nhau và đưa lên internet. Vì thế, đặt ra câu hỏi, việc các em ở lứa tuổi cắp sách đến trường có nên hay không nên sử dụng ĐTDĐ?

Theo ông Đỗ Hà Thế Bình, Hiệu trưởng trường THCS Trịnh Hoài Đức (Thuận An): “Việc cấm sử dụng ĐTDĐ có thể làm đa số HS không thích nhưng thực tế là không có điện thoại các em sẽ chú tâm vào việc học hơn. Đa số HS chỉ sử dụng ĐTDĐ cho việc nghe nhạc, xem phim, lướt web hoặc liên lạc với bạn bè là chủ yếu, hiếm lắm mới gặp trường hợp HS sử dụng để liên lạc với gia đình như mục đích chính ban đầu khi xin cha mẹ”.

Hầu như trong trường phổ thông nào cũng có HS sử dụng ĐTDĐ. Cá biệt, có em mới chỉ học lớp 5, 6 cũng đã có ĐTDĐ riêng của mình. Chẳng qua là do có nhiều phụ huynh quan niệm rằng, ĐTDĐ sẽ giúp họ quản lý con cái tốt hơn, tránh hiện tượng đi đêm về hôm, la cà, bỏ học. Chị Tô Thị Ánh Hồng (Thuận An) cho biết, con gái chị hiện đang học lớp 8, lịch học của cháu khá dày, học chính rồi học thêm, từ sáng đến tối. Không thể nhớ hết lịch học của cháu nên chị đã mua cho cháu một cái ĐTDĐ để tiện liên lạc và biết được cháu đang đi đâu, làm gì, học ở chỗ nào.

Thông thường cha mẹ có một biện minh cho việc con cái sử dụng ĐTDĐ là để mình quản lý con dễ hơn. Nhưng thực ra họ khó mà quản lý con bằng cách đó được. Cha mẹ có thể gọi điện hỏi con đang ở đâu, làm gì và chỉ biết vậy chứ đâu biết địa điểm hiện tại của con. Nhiều khi con đang la cà quán xá, công viên nhưng lại nói đang ở trường, thư viện.

Ông Đỗ Hà Thế Bình cho biết thêm: “Từ góc độ của người làm cha, làm mẹ tôi cho rằng lứa tuổi này không cần thiết phải sử dụng ĐTDĐ. Các em chưa có nhiều mối liên hệ và những mối liên hệ đó chưa đến mức phải cần có điện thoại để giao tiếp, trao đổi thường xuyên, liên tục như vậy. Quan hệ tình bạn cũng đâu cần đến mức phải thông qua ĐTDĐ để giữ liên lạc”.

Từ thực tế cho thấy việc quản lý HS sử dụng ĐTDĐ sẽ không thể thực hiện được triệt để nếu chỉ có sự tham gia của nhà trường. Bên cạnh đó, cần phải có sự phối hợp tốt giữa nhà trường với phụ huynh để kịp thời xử lý theo quy định và có biện pháp uốn nắn kịp thời. Ông Đỗ Hà Thế Bình cho biết: “Nhà trường đã có nội quy mới là cấm triệt để HS sử dụng ĐTDĐ trong giờ học. Đồng thời, nhà trường nhận thấy cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của gia đình để nâng cao ý thức tự giác của HS, sao cho ĐTDĐ phát huy những ưu điểm của nó, trở thành một phương tiện thực sự hữu ích, phục vụ cho việc học tập của các em khi còn ngồi trên ghế nhà trường”.

THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=545
Quay lên trên