Học sinh sống kiếp... thương hồ!

Cập nhật: 24-12-2010 | 00:00:00

“Hồi nhỏ, do không được đi học nên một chữ bẻ đôi tôi cũng không biết. Mình dốt nên lớn lên phải chịu cảnh nghèo hèn. Còn mấy đứa nhỏ dù khổ mấy cũng phải cho nó ăn học mới mong sau này chúng thoát cảnh lênh đênh...” - chị Nguyệt, vừa nói vừa rơm rớm nước mắt.

Một chiếc ghe nhỏ, 5 người lênh đênh

Đêm xuống, trên dòng sông Vàm Thuật đen ngòm thường thấy thấp thoáng ánh đèn từ một chiếc ghe nhỏ, neo ở chân cầu Bến Phân, quận Gò Vấp, TP.HCM. Ít ai ngờ, trên chiếc ghe nhỏ ở khúc sông hôi thối ấy lại có những đứa trẻ đang ngày đêm miệt mài học chữ với ước mơ lớn lên được sống... trên bờ.

Trong một lần đi mua trùn chỉ, tình cờ tôi biết gia đình nói trên có 5 thành viên. Đêm xuống, 5 con người ấy phải chen nhau trên chiếc ghe nhỏ hẹp, bề ngang chừng 2m, dài chưa tới 5m. Chủ ghe là anh Nguyễn Hồng Sơn, SN 1971, quê Vĩnh Phú, vào Sài Gòn tìm kế mưu sinh từ lúc mới 20 tuổi, hiện sống bằng nghề bắt trùn chỉ. Chị Nguyễn Thị Nguyệt - vợ anh Sơn, SN 1976, quê Đồng Nai đi làm thuê. Thu nhập của vợ chồng anh Sơn mỗi tháng chỉ hơn triệu bạc. Thế nhưng, hai vợ chồng anh vẫn quyết cho 3 đứa con đến trường.

 

Sống lênh đên trên sông nhưng vợ chồng anh Sơn vẫn quyết cho con ăn học nên người

“Tôi là dân nhà nghèo, hồi nhỏ do không được đi học nên một chữ bẻ đôi tôi cũng không biết. Mình dốt nên lớn lên phải chịu cảnh nghèo hèn. Còn mấy đứa nhỏ phải cho nó ăn học đặng sau này mới thoát cảnh lên đênh”, chị Nguyệt, rơm rớm nước mắt nói khi tôi hỏi thăm gia cảnh. Nhiều lần ghé xuống ghe, tôi không thể không mủi lòng khi mấy đứa con anh Sơn phải học bài dưới ánh đèn dầu leo lét. Bàn học của chúng chỉ là mấy chiếc gối kê cao giữa ghe. Mỗi khi có người dịch chuyển, chiếc ghe lại tròng trành khiến bàn học của lũ trẻ cũng lắc lư theo. Thấy con không đủ ánh sáng học bài, vợ chồng anh Sơn năn nỉ những người dân trên bờ câu điện xuống dưới ghe. Mỗi tháng chỉ tốn vài chục ngàn tiền điện nhưng với vợ chồng anh Sơn số tiền này lại tăng thêm gánh nặng trên vai họ. “Cũng muốn lũ trẻ có ánh sáng để học bài nhưng tiền điện nhiều quá sợ không trả nổi. Biết thế nên tụi nhỏ cũng tranh thủ học bài ban ngày, ban đêm chỉ học một lúc rồi tắt điện cho đỡ tốn kém”, chị Nguyện phân bua.

Nhà nghèo, chưa bao giờ biết đến lớp học thêm nhưng mấy đứa con anh Sơn đều học hành rất chăm chỉ, năm nào cũng được tặng giấy khen, bằng khen.

Để tiện cho con đi học, vợ chồng anh Sơn thường đậu ghe ở gần chân cầu Bến Phân, quận Gò Vấp. Song từ ghe đến trường học của chúng cũng hơn 3km. Không có xe đạp, nên mấy đứa con anh Sơn phải cuốc bộ đến trường. Thấy mấy đứa trẻ đội nắng, đội mưa đi học, vợ chồng anh Sơn xót quá nên mượn tiền mua cho tụi nhỏ một cái xe đạp cũ. Do chiếc ghe nhỏ quá không đem xe đạp xuống được, nên đi học về con anh Sơn phải để xe ở trên bờ. Tưởng chiếc xe cũ không ai thèm lấy vậy mà cuối cùng cũng bị mất trộm. Mấy đứa con anh Sơn lại phải cuốc bộ đến trường.

Tôi hỏi sau này lớn cháu muốn làm nghề gì? Nguyễn Quốc Huy, con đầu của vợ chồng anh Sơn (học lớp 7, trường THCS Tây Sơn, quận Gò Vấp) lễ phép đáp: “Dạ con muốn làm bác sĩ để chữa bệnh cho má con. Má con dạo này cứ bị bệnh suốt nên ốm nhom”. Bé Nguyễn Thị Hoài Thương, em kế của Huy (10 tuổi, học lớp 4) ước mong: “Con học thật giỏi để lớn lên kiếm nhiều tiền mua nhà cho ba má lên bờ sống”. Thằng con út của anh Sơn năm nay 7 tuổi nhưng mới vào lớp một. Lần nào thấy tôi đến chơi nó cũng mắc cỡ bám lấy chân mẹ. Tôi hỏi chị Nguyệt, sao cho thằng bé đi học trễ thế, chị thở dài: “Mấy năm nay, ba nó kiếm chẳng được bao nhiều tiền. Tiền bạc gom góp được dồn đóng học phí cho cho hai đứa lớn. Mãi đến năm nay mới vay mượn được tiền cho thằng út đi lớp một”.

Mỗi khi đi làm về, mình dính đầy bùn dơ nhưng nhìn 3 đứa con khôn lớn, ngoan ngoãn, anh Sơn cảm thấy rất vui. Anh tâm sự: “Hồi tụi nó còn nhỏ nghịch ngợm nên bị rớt xuống sông uống nước hoài. Có lần hai vợ chồng tôi đi làm, thằng út ở lại trên ghe đùa nghịch bị rớt xuống sông, may được người ta phát hiện cứu sống chứ không...”. Anh Sơn kể, lúc mới lập gia đình, hai vợ chồng anh ở nhờ nhà bà nội của anh. Nhưng căn nhà này nhỏ quá, lớp con lớp cháu tá túc hơn 20 người nên anh phải thuê nhà trọ ra ở riêng. Được một thời gian, không kham nổi tiền nhà trọ, vợ chồng anh Sơn đành mua một chiếc ghe, đưa mấy đứa con xuống sống dưới sông.

Đời cha mù chữ, mong mỏi đời con

Gia đình anh Sơn không phải là diện cá biệt, trên những chiếc ghe lênh đênh sông nước quanh vùng còn có nhiều người chung cảnh ngộ.

Trên sông Sài Gòn đoạn gần chùa Diệu Pháp (phường 13, quận Bình Thạnh) cũng có một chiếc ghe thường neo đậu, ngày ngày từ chiếc ghe này có đứa trẻ lên bờ đi tìm con chữ. Đi học về, thấy có người lạ trong ghe, bé Nguyễn Thị Ngọc Duyên lễ phép vòng tay chào rồi lúi húi đi nấu cơm. Mấy ngày nay, ba nó (anh Nguyễn Ngọc Thy) bị ốm nên nằm liệt ở ghe nên bữa cơm chẳng có con cá nào. Chị Dung vợ anh Thy và thằng Thành con trai đầu phải lên bờ đi làm thuê kiếm tiền. Thằng Thành năm nay 12 tuổi nhưng chỉ mới học lớp 2 trường tình thương do các sơ dạy. Nó học đã tệ, cha mẹ lại không biết chữ chẳng chỉ bảo được gì nên học hoài mà vẫn chưa biết viết thành thạo.

 

Cha con anh Thuy chưa biết đến bao giờ thoát khỏi cảnh sống trên ghe

Ngược lại, bé Duyên 10 tuổi đã lên lớp 4, học trường công đàng hoàng (trường Tiểu học Bình Lợi Trung, quận Bình Thạnh). Năm lớp 1, bé Duyên đạt học sinh giỏi nhưng mấy năm sau chỉ đạt mức trung bình khá. Tôi hỏi vì sao sức học ngày càng sa sút, con bé lặng im không nói. Nhìn con, anh Thy băn khoăn: “Vợ chồng mình khổ quá không lo nổi cho con đi học. Bé Duyên may được người chị của mình lo giúp tiền học phí, sách vở chứ không chắc cũng phải bỏ học rồi”. Anh nhìn ra sông, ánh mắt vời vợi: “Ông già mình sống lênh đênh trên ghe. Mình sinh ra lớn lên trên ghe, sống bằng nghề chài lưới nên nghèo vẫn hoàn nghèo. Đời mình coi như đã bỏ đi chỉ mong hai đứa nhỏ được đi học kiếm được cái chữ lớn lên mới may ra bớt khổ”.

Sống lênh đênh trên sông nhưng vợ chồng ông Nguyễn Văn Thận có đến 8 đứa con. Con nhiều quá, không nuôi nổi vợ chồng ông cho người ta hết 2 đứa... Riêng thằng út ông rất cưng. Với ông, đây là niềm hy vọng cuối cùng. “Mấy đứa lớn đứa nào cũng chỉ mới học hết cấp 1. Giờ tụi nó lên bờ đi làm thuê kiếm sống. Thằng kế út do không được đi học nên mù chữ, hàng ngày theo tôi đi đánh cá. Riêng thằng út, hai vợ chồng quyết cho nó học đến nơi đến chốn. Cả nhà chỉ trông mong có một mình nó” - ông Thận nói.

Em Nguyễn Văn Bình, con út của ông Thận năm nay 10 tuổi, học lớp 4, trường tiểu học Đống Đa, quận Bình Thạnh. Được lên bờ đi học thằng bé rất thích vì có nhiều bạn. Nó nói, giống như những đứa trẻ trên ghe khác, nó cũng muốn lớn lên kiếm thật nhiều tiền để mua nhà trên bờ ở. Chiếc ghe của ông Thận thường neo ở chân cầu Kinh (bán đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh) để cho thằng con út lên bờ đi học cho gần. Dạo này, cảnh sát giao thông đường thủy hay kiểm tra nên ông Thận rất sợ nếu bị đuổi ông phải gửi thằng út lên bờ ở nhờ nhà bà con để tiện việc đi học. Chỉ lo, chi phí tốn kém vợ chồng ông không có tiền để trả.

Khó, nhưng ông cũng như nhiều bậc làm cha làm mẹ khác sống cuộc đời sông nước luôn quyết tâm cho con đến trường và hy vọng cho các con có một cuộc đổi đời...

HOÀNG MẾN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên