Học sinh THPT tham gia vào chương trình "Ươm tạo tài năng" của Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ được tiếp cận nghề nghiệp sớm, đồng thời được tiếp xúc với hoạt động nghiên cứu khoa học dưới sự hướng dẫn của các nhà khoa học có uy tín.
Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân phát biểu tại hội thảo.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo về Chương trình ươm tạo tài năng bậc trung học phổ thông (VNU 12+) do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức chiều 17/4.
Chương trình ươm tạo tài năng từ bậc THPT tại Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) được xây dựng để lựa chọn học sinh THPT có tài năng thuộc ĐHQGHN đăng ký học tích lũy một số học phần của chương trình đào tạo trình độ đại học trong danh sách các chương trình được ĐHQGHN công bố.
Chương trình dự kiến được áp dụng thí điểm từ năm học 2024-2025, trước hết dành cho học sinh các trường THPT của ĐHQGHN.
Việc học tích lũy của từng học sinh sẽ được tổ chức theo hình thức cá thể hóa đào tạo với sự hướng dẫn trực tiếp (coaching) của giảng viên có uy tín, có trình độ quốc tế của ĐHQGHN. Trong quá trình học tập, học sinh có thể tham gia nghiên cứu khoa học, thực hành, thực tập cùng giảng viên hướng dẫn hoặc nhóm nghiên cứu của giảng viên hướng dẫn.
Tại hội thảo, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho biết, việc thay đổi mô hình đào tạo phổ thông năng khiếu của ĐHQGHN là rất quan trọng… Mô hình đào tạo tài năng THPT liên thông đại học đang được các quốc gia tiên tiến trên thế giới thực hiện, như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Theo Dự thảo Quy định đào tạo thí điểm Chương trình ươm tạo tài năng từ bậc THPT tại ĐHQGHN, học sinh tham gia chương trình ươm tạo tài năng từ bậc THPT tại ĐHQGHN sẽ được rút ngắn thời gian đào tạo ở bậc đại học trên cơ sở được định hướng nghề nghiệp sớm; đồng thời có cơ hội tiếp cận được các chương trình học bổng quốc tế, tăng tỉ lệ thành công khi học đại học.
Chương trình VNU 12+ cũng hướng tới mục tiêu thu hút học sinh giỏi vào học bậc THPT tại ĐHQGHN, tạo nguồn đào tạo nhà khoa học đạt chuẩn quốc tế trong tương lai, đặc biệt các nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học cơ bản, góp phần phát triển đội ngũ các nhà khoa học đạt chuẩn quốc tế của ĐHQGHN.
Học sinh tham gia Chương trình VNU 12+ là học sinh THPT hệ chuyên và không chuyên ở các trường THPT thuộc ĐHQGHN, đáp ứng một trong các điều kiện: Đã và đang là thành viên đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; Đạt giải trong kỳ thi Olympic bậc THPT tại ĐHQGHN (đối với học sinh THPT chuyên) hoặc Đạt giải ba trở lên trong kỳ thi Olympic bậc THPT tại ĐHQGHN (đối với học sinh THPT không chuyên); Kết quả học tập trong năm học lớp 10 (đối với học sinh THPT chuyên) hoặc kết quả học tập trong năm học lớp 10 và học kỳ I lớp 11 (đối với học sinh THPT không chuyên) đạt mức tốt và đạt trình độ ngoại ngữ để có thể theo học các chương trình đại học.
Về kinh phí đào tạo, ngoài học phí do học sinh đóng theo quy định và các nguồn tài trợ, ĐHQGHN hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo dành cho Chương trình VNU 12+. ĐHQGHN ưu tiên đầu tư các dự án cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm; ưu tiên xét cấp học bổng cho học sinh có thành tích xuất sắc, đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế.
Các mức học bổng bao gồm: Miễn 100% học phí hoặc miễn một phần học phí. Trường hợp học sinh có tài năng xuất sắc và có cam kết học tập sau khi tốt nghiệp THPT tại đơn vị đào tạo, ĐHQGHN hoặc đơn vị đào tạo có thể cấp thêm các học bổng hỗ trợ đào tạo khác.
Dự kiến, tháng 5/2024, các đơn vị trong toàn ĐHQGHN tổ chức ngày hội hướng nghiệp dành cho học sinh, phụ huynh học sinh về chương trình này.
Theo TTXVN