Từ ngày 9 đến 13-5, tại Los Angeles, Mỹ, 2 học sinh trung học từ Việt Nam sẽ tham gia tranh tài cùng hơn 1.500 bạn bè đến từ hơn 60 nước trong Cuộc thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế (ISEF 2011).
ISEF do Tập đoàn Intel tổ chức thường niên từ năm 1997 tới nay. Đây là sự kiện khoa học lớn nhất thế giới dành cho đối tượng học sinh trung học đến từ khắp thế giới. Tổng trị giá giải thưởng năm nay lên tới hơn 4 triệu USD, gồm các giải thưởng, học bổng, tài trợ nghiên cứu và suất thực tập nghề nghiệp. Trong đó, giải nhất trị giá 75.000USD mang tên Gordon E. Moore, người đồng sáng lập Intel.
Nguyễn Hải An (trái) học sinh trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM nhận giải thưởng tại cuộc thi Hội thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế (ISEF) liên kết khu vực TP.HCM.
ISEF quy tụ tất cả các ngành khoa học mà học sinh từ lớp 9-12 ở các nước được tiếp cận. Những học sinh dự vòng chung kết tại Mỹ được chọn từ hơn 400 cuộc thi nhỏ trên toàn cầu. Các thí sinh được chọn đều phải thể hiện được sự đột phá trong nghiên cứu khoa học và có tiềm năng tham gia dẫn dắt thế giới vào kỷ nguyên tri thức mới. Tất cả thí sinh vượt qua vòng sơ loại đều được tài trợ toàn bộ cho chuyến đi tới Mỹ dự vòng chung kết.
Năm nay, Việt Nam chọn được hai đại diện dự ISEF là Nguyễn Hải An - học sinh trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM và Hà Thức Tiến - học sinh trường THPT Chuyên Quốc học Huế, TP. Huế. Mỗi em sẽ được một giáo viên trường mình dẫn sang Mỹ tranh tài.
An được chọn với đề tài nghiên cứu tận dụng vỏ tôm thải ra từ chế biến hải sản để sản xuất chitosan, một loại sản phẩm giúp bảo quản thực phẩm. Sáng kiến này giúp giảm chất thải ra môi trường, giảm lãng phí nguồn tài nguyên thủy sản, đồng thời là một phương pháp mới để sản xuất chitosan.
Còn Tiến đã phối hợp với bạn học Đoàn Phạm Phước Long để nghiên cứu sử dụng gương phẳng đo đạc kích cỡ và góc độ của các vật lớn trong không gian. Hai bạn đã thí nghiệm thành công thiết bị làm từ gương phẳng của mình để đo đạc chiều cao của cột cờ ở Ngọ Môn (Huế). Hơn thế nữa, nhóm đã nâng cấp thiết bị để đo đạc chính xác được cả những vật mà một phần của nó bị che khuất hoặc không thể tiếp cận trực tiếp để đo đạc theo cách thông thường.
Theo Dân Trí