Các chuyên gia đánh giá, hội chợ máy và nguyên liệu gỗ quốc tế Bình Dương năm 2018 (Bifa Wood 2018) đang diễn ra tại Bình Dương là cơ hội để doanh nghiệp (DN) gỗ trong tỉnh trao đổi, xúc tiến thương mại, mua sắm trang thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại phục vụ cho nhu cầu phát triển.
Nhiều doanh nghiệp tham gia hội chợ
Ông Huỳnh Quang Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), từng cho biết Bình Dương là “thủ phủ gỗ” của cả nước, đóng góp to lớn vào kim ngạch xuất khẩu gỗ của cả nước. Để thật sự trở thành trung tâm sản xuất gỗ lớn, BIFA cần có những hội chợ chuyên ngành mang tầm cỡ quốc tế để thúc đẩy ngành gỗ phát triển mạnh hơn nữa. Hội chợ Bifa Wood 2018 được tổ chức đáp ứng được sự mong đợi của cộng đồng DN gỗ tại Bình Dương.
Gian hàng triển lãm của một doanh nghiệp tại hội chợ Bifa Wood 2018. Ảnh: PHÙNG HIẾU
Ông Trần Vạn Phúc, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Châu-đơn vị tham gia hội chợ Bifa Wood 2018 đến từ TP.Hồ Chí Minh, chia sẻ ngành gỗ Bình Dương đang dần khẳng định tên tuổi ở thị trường xuất khẩu. Việc tổ chức hội chợ chuyên ngành gỗ với quy mô lớn như Bifa Wood 2018 cần được tỉnh duy trì thường xuyên. Tổ chức hội chợ như thế này, ngoài việc giúp DN gỗ tiếp cận công nghệ sản xuất mới, ngành gỗ của Bình Dương còn có thêm cơ hội để xúc tiến thương mại, tăng cường giao thương mở rộng thị trường.
Hội chợ Bifa Wood 2018 đang diễn ra tại Bình Dương thu hút 780 gian hàng đến từ 70 DN trong nước và 150 DN đến từ Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật... tham gia. Với sự tham gia đông đảo của DN trong và ngoài nước cho thấy tên tuổi, uy tín của BIFA ngày càng được mở rộng.
Theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch BIFA, ngành gỗ cả nước nhiều khả năng đạt cột mốc xuất khẩu 9 tỷ USD trong năm nay, đang hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 20 tỷ USD vào năm 2025 như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã “đặt hàng” cho ngành gỗ. Bifa Wood 2018 không chỉ là hội chợ phô diễn về công nghệ sản xuất, chế biến gỗ mà còn là nơi để DN xúc tiến thương mại, giúp các DN hiểu thêm về những chính sách, xu hướng xuất nhập khẩu đồ gỗ trên thị trường toàn cầu.
Thay đổi công nghệ sản xuất để phát triển
Thời gian qua, nhu cầu thay đổi công nghệ, thay thế kiểu sản xuất gỗ lạc hậu của DN là rất lớn, nhiều DN gỗ Bình Dương đã “tự thân vận động” tích cực tham gia các hội chợ triễn lãm máy móc, thiết bị từ các nước trong khu vực và châu Âu. Các DN gỗ của Bình Dương đi tiên phong trong đổi mới công nghệ sản xuất có thể kế đến như Công ty Lâm Việt, Công ty Hiệp Long... Trước đòi hỏi từ nhu cầu thực tiễn, đồng thời nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước đã thúc đẩy các hội viên BIFA tích cực chuyển đổi dây chuyền sản xuất hiện đại hơn.
Ông Lưu Phước Lộc, Trưởng ban tổ chức hội chợ Bifa Wood 2018, khẳng định ngành gỗ cả nước nói chung và Bình Dương nói riêng đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh. Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng này trong thời gian tới, việc thay đổi công nghệ để tăng năng suất lao động quyết định sự sống còn của mỗi DN, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ như hiện nay.
Theo ông Trần Văn Hải, Giám đốc Công ty Đại Phúc Vinh - Chi nhánh Bình Dương, hiện nay không riêng gì các DN gỗ lớn, các DN nhỏ lẻ nhận hàng gia công lại cũng phải thay đổi cách thức sản xuất để giải quyết tốt áp lực giao hàng đúng thời hạn. Công ty của ông có doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm từ việc cung cấp máy móc, thiết bị chuyên nghiệp cho các DN gỗ Bình Dương.
Hội chợ Bifa Wood 2018 đang là tâm điểm của cộng đồng DN gỗ trong và ngoài nước. Việc tổ chức hội chợ thành công sẽ góp phần nâng cao uy tín của Bình Dương - được mệnh danh là “thủ phủ gỗ” cả nước. Ông Lộc cho biết thêm, trong thời gian tới Bifa sẽ tiếp tục tổ chức định kỳ các hội chợ gỗ chuyên ngành, qua đó góp phần nâng cao sức cạnh tranh của ngành gỗ tỉnh nhà trên thị trường trong và ngoài nước.
PHÙNG HIẾU