Hội cựu Chiến binh huyện Dầu Tiếng: Giúp nhau làm kinh tế giỏi, giảm nghèo

Cập nhật: 12-07-2011 | 00:00:00

Dù là thương binh 2/4 nhưng sau ngày giải phóng, cựu chiến binh (CCB) Đặng Văn Danh ở xã Long Tân không ngần ngại khai hoang đất đai, trồng hoa màu tìm kế sinh nhai. Ban đầu, ông trồng điều. Cũng trên diện tích cây điều đó, ông trồng xen canh cây mì và chăn nuôi. Hình thức lấy ngắn nuôi dài trong sản xuất nông nghiệp đã giúp ông thu được hiệu quả bước đầu. Ông tiếp tục sử dụng số tiền tích lũy mua đất trồng cao su. Cứ thế đến nay, ông đã sở hữu 28 ha cao su và đang cho thu hoạch, thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Cao su có giá giúp ông mua sắm của cải và trang bị cơ sở vật chất cho gia đình, với 5 chiếc máy cày, 2 xe du lịch...

Cũng từ bàn tay trắng, thương binh Trần Văn Nhân ở ấp Hố Đá, xã Long Tân đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên mảnh đất khai phá, với hàng chục ha cao su và căn nhà mới khang trang. Ý chí và nghị lực không chỉ giúp ông Danh, ông Nhân mà còn rất nhiều CCB Trần Xuân Mão, xã Minh Thạnh; Bùi Văn Rinh, Nguyễn Thành Sơn xã Minh Hòa... vượt qua khó khăn, vươn lên làm chủ chính mình.

  Những cựu chiến binh ở Dầu Tiếng “tàn nhưng không phế”

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Hữu Bình, Chủ tịch Hội CCB huyện Dầu Tiếng, cho biết nếu như năm 2007, toàn huyện có 64 hộ hội viên CCB thuộc diện nghèo, chiếm 3,8%; thì đến cuối năm 2010 giảm còn 46 hộ theo tiêu chí mới. Cuộc sống khấm khá, những CCB ở Dầu Tiếng đã phát huy bản chất anh bộ đội Cụ Hồ, tự giúp nhau dưới hình thức nhường cơm sẻ áo, lá lành đùm lá rách với số tiền gần 60 triệu đồng. Ngoài ra, để hội viên nghèo làm ăn, phát triển kinh tế gia đình đạt hiệu quả, các cấp hội cũng phối hợp ngành chức năng tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất - kinh doanh; đồng thời giới thiệu hội viên vay vốn giải quyết việc làm gần 7,8 tỷ đồng và vận động xây tặng nhà đại đoàn kết... Ông Trương Hữu Bình cho biết thêm, nhờ thực hiện tốt phong trào, đến nay hội đã có 153 hội viên phát triển kinh tế trang trại, tăng 100 hội viên (so với năm 2007) gồm trang trại trồng cao su, cây ngắn ngày, cây dài ngày; trang trại chăn nuôi heo, gà và trang trại tổng hợp; trong đó có trang trại bà Nguyễn Thị Lan, xã Long Tân đang nuôi 100 heo nái, 800 con heo thịt; trang trại ông Nguyễn Văn Sơn cùng xã có 28 ha cao su; trang trại ông Nguyễn Thành Sơn có 20 ha cao su...

Quả thực, phong trào giúp nhau làm kinh tế giỏi, vươn lên giàu có đã góp phần tạo niềm tin cho CCB ở Dầu Tiếng. Chính vì vậy, phong trào hoạt động của Hội CCB ở đây ngày càng chuyển biến vì có rất nhiều CCB tích cực tham gia hành động vì cộng đồng xã hội.

HOÀNG TIẾN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=368
Quay lên trên