Kể từ ngày 1-7, TP.HCM (mới) chính thức đi vào hoạt động, vì vậy trang web tạm ngừng cập nhật thông tin để chờ hướng dẫn. Trong thời gian này mọi thông tin liên quan đến địa bàn Bình Dương (cũ) sẽ được cập nhật trên báo Sài Gòn Giải Phóng và các ấn phẩm, nền tảng liên quan. Trân trọng!

Hỏi đáp chính sách an toàn vệ sinh lao động

Thứ bảy, ngày 28/03/2015
Theo dõi Báo Bình Dương trên

(BDO) Hỏi: Những loại bệnh nào được coi là bệnh nghề nghiệp và được hưởng bảo hiểm?

Trả lời: Theo Danh mục kèm theo Thông tư liên tịch số 08/1998/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 20-4-1998 của liên Bộ Y tế - Lao động - Thương binh và Xã hội, bệnh nghề nghiệp bao gồm 5 nhóm bệnh, trong đó: Nhóm các bệnh bụi phổi và phế quản bao gồm: Bệnh bụi phổi - Silis nghề nghiệp; bệnh bụi phổi Atbet (Amiawng); bệnh bụi phổi bông; bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp. Nhóm các bệnh nhiễm độc nghề nghiệp bao gồm: Bệnh nhiễm độc chì và các hợp chất chì; bệnh nhiễm độc benzen và các hợp chất đồng đẳng của benzen; bệnh nhiễm độc thủy ngân và các hợp chất của thủy ngân; bệnh nhiễm độc mangan và các hợp chất của mangan; bệnh nhiễm độc TNT (trinitro toluen); bệnh nhiễm độc asen và các chất asen nghề nghiệp; nhiễm độc chất Nicotin nghề nghiệp; bệnh nhiễm độc hóa chất trừ sâu nghề nghiệp. Nhóm các bệnh nghề nghiệp do yếu tố vật lý bao gồm: Bệnh do quang tuyến X và các chất phóng xạ; bệnh điếc do tiếng ồn; bệnh rung chuyển nghề nghiệp; bệnh giảm áp mạn tính nghề nghiệp. Nhóm các bệnh da nghề nghiệp bao gồm: Bệnh sạm da nghề nghiệp; bệnh loét da, loét vách ngăn mũi, viêm da, chàm tiếp xúc. Nhóm các bệnh nhiễm khuẩn nghề nghiệp gồm: Bệnh lao nghề nghiệp; bệnh viêm gan virut nghề nghiệp; bệnh do xoắn khuẩn Leptospira nghề nghiệp.

Ngoài những bệnh trên, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 27/2006/QĐ- BYT ngày 21-9-2006 bổ sung 4 bệnh nghề nghiệp vào Danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm, gồm: Bệnh hen phế quản nghề nghiệp; nhiễm độc cacbonmonoxit nghề nghiệp; bệnh nốt dầu nghề nghiệp; bệnh viêm loét da, viêm móng và xung quanh móng nghề nghiệp.

P.V