Hỏi: Tôi muốn hỏi về tiền lương làm căn cứ tính đóng BHXH?
Trả lời: Xuất phát từ thực tế khi triển khai các quy định của Bộ luật Lao động năm 2012, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện việc xây dựng và chuyển đổi từ hệ thống thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định sang hệ thống thang lương, bảng lương do doanh nghiệp Nhà nước tự quyết định, ngày 24-6-2015, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 4807/VPCP-PL thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan hướng dẫn và tổ chức thực hiện Công văn số 848/UBTVQH13-CVĐXH ngày 7-4-2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó từ ngày 1-5-2013 đến trước ngày 1-1-2016, người lao động làm việc trong các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa nhưng vẫn áp dụng chế độ tiền lương do Nhà nước quy định trước ngày 1-5-2013 thì tiếp tục đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định. Từ ngày 1-1-2016, tất cả các doanh nghiệp phải thực hiện đóng BHXH theo chế độ tiền lương do doanh nghiệp quyết định. Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện nội dung này.
Hỏi: Tôi tham gia quân đội từ tháng 5-1974 đến tháng 11-1988 tại Mặt trận 479, Quân khu 7, sau đó phục viên về địa phương. Từ năm 1996 đến nay, tôi làm việc và đóng BHXH bắt buộc tại chi nhánh Công ty TNHH, tổng thời gian là 17 năm 3 tháng. Năm 2012, tôi được hưởng chế độ trợ cấp một lần theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27-10-2008 của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, tôi có được trả lại chế độ trợ cấp một lần đã nhận để cộng nối thời gian công tác trong quân đội với thời gian tham gia BHXH được không? Nếu được thủ tục trả lại như thế nào?
Trả lời: Thời gian phục vụ quân đội của ông đã được giải quyết trợ cấp một lần theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27-10-2008 của Thủ tướng Chính phủ thì không được cộng nối với thời gian công tác tại chi nhánh Công ty TNHH để tính hưởng BHXH. Hiện nay, Nhà nước chưa có quy định về hoàn trả trợ cấp theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg để cộng nối thời gian công tác theo quy định tại Thông tư liên tịch số 101/2014/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH ngày 4-8-2014 của Liên Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ LĐ-TB&XH.
Hỏi: Vợ tôi sinh con đầu lòng ngày 15-8-2014, do vỡ kế hoạch nên tới ngày 20-10-2015, vợ tôi hạ sinh bé thứ hai thì có được hưởng chế độ thai sản không? Nếu tính thời gian đóng BHXH cả lần nghỉ sinh trước thì đã trên 6 tháng theo Luật BHXH năm 2006?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 28 Luật BHXH năm 2006 thì điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con là đóng BHXH từ đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh con. Vợ bạn sinh con thứ hai ngày 20-10-2015 thì 12 tháng trước khi sinh con được tính từ tháng 11-2014 đến tháng 10-2015. Trong 12 tháng này, vợ bạn đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên (không cần liên tục) thì đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản. Lưu ý theo Khoản 2 Điều 35 Luật BHXH năm 2006 thì thời gian hưởng chế độ thai sản do sinh con lần đầu (từ tháng 8-2014 đến tháng 1-2015) được tính là thời gian có đóng BHXH.
P.V