- Tôi được biết, người lao động (NLĐ) khi con ốm có thể được giải quyết chế độ nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau để chăm sóc con. Vậy trong trường hợp cả 2 con bị ốm có thời gian ốm trùng nhau thì giải quyết như thế nào?
- Ông Nguyễn Phi Hiền, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh: Theo quy định, trường hợp trong cùng một thời gian NLĐ có từ 2 con dưới 7 tuổi bị ốm đau thì thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau được tính bằng thời gian thực tế NLĐ nghỉ việc chăm sóc con ốm đau; thời gian tối đa NLĐ nghỉ việc trong 1 năm cho mỗi con được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật BHXH quy định thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau (tối đa là 20 ngày làm việc nếu con dưới 3 tuổi; tối đa là 15 ngày làm việc nếu con từ đủ 3 tuổi đến dưới 7 tuổi).
- Tôi có tham gia đóng BHXH được 1 năm 10 tháng. Vậy tôi có được tính 2 năm khi làm hồ sơ hưởng BHXH một lần không?
- Ông Nguyễn Phi Hiền, Phó Giám đốc BHXH tỉnh: Theo quy định, mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH. Cứ mỗi năm được tính như sau: 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng bằng 22% số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Nếu thời gian đóng BHXH có tháng lẻ thì từ 1 tháng đến 6 tháng được tính là nửa năm, từ 7 tháng đến 11 tháng được tính là một năm. Như vậy, trường hợp của bạn có thời gian tham gia BHXH là 1 năm 10 tháng khi hưởng chế độ BHXH một lần sẽ được làm tròn là 2 năm.
- Tôi được bác sĩ chẩn đoán viêm gan, yêu cầu ở lại bệnh viện để điều trị do đây là bệnh dài ngày. Vậy khi tôi nghỉ ốm để chữa bệnh thì có phải đóng BHXH không?
- Ông Nguyễn Phi Hiền, Phó Giám đốc BHXH tỉnh: Căn cứ theo Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định: NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH thì không phải đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.
Căn cứ theo Điều 6 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định: “NLĐ nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì NLĐ và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH”.
Như vậy, khi NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng không phải đóng BHXH tháng đó.
- Hai tuần trước tôi đang đi làm về thì bị một xe máy đi ngược chiều tông phải và được đưa vào bệnh viện gần đó điều trị 7 ngày thì xuất viện. Do đãng trí tôi vô tình làm mất giấy ra viện. Vậy khi bị mất giấy ra viện tôi có được giải quyết chế độ ốm đau không?
- Ông Nguyễn Phi Hiền, Phó Giám đốc BHXH tỉnh: Trường hợp bạn bị tai nạn trên đường đi làm về, bạn cần liên hệ nhân sự công ty nơi bạn đang làm việc để được xem xét có thuộc trường hợp bị tai nạn lao động hay không và hướng dẫn bạn thủ tục, hồ sơ để được giải quyết chế độ tai nạn lao động (nếu đủ điều kiện hưởng theo quy định).
Nếu không thuộc trường hợp tai nạn lao động mà trường hợp của bạn là tai nạn rủi ro thì hồ sơ hưởng chế độ ốm đau theo quy định: Điều trị nội trú là giấy ra viện, điều trị ngoại trú là giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Trường hợp bạn bị mất giấy ra viện thì không có căn cứ để giải quyết chế độ theo quy định. Bạn có thể liên hệ bệnh viện nơi điều trị để xin cấp lại giấy ra viện.
TƯỜNG VY (thực hiện)