Hỏi đáp về Luật Tiếp cận thông tin

Cập nhật: 23-09-2023 | 11:26:04

Hỏi: Trong tiếp cận thông tin, công dân có những quyền và nghĩa vụ gì?

Trả lời: Nhằm cụ thể hóa quyền tiếp cận thông tin đã được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận, Điều 8 Luật Tiếp cận thông tin quy định các quyền và nghĩa vụ của công dân trong tiếp cận thông tin, cụ thể là:

Công dân có các quyền sau: (i) được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời; (ii) khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tiếp cận thông tin.

Bên cạnh đó, công dân cũng có các nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin, đó là: (i) tuân thủ quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin; (ii) không làm sai lệch nội dung thông tin đã được cung cấp; (ii) không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác khi thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

Hỏi: Những cơ quan nào có trách nhiệm cung cấp thông tin?

Trả lời: Xuất phát từ quan điểm chỉ đạo là Luật Tiếp cận thông tin điều chỉnh mối quan hệ về tiếp cận thông tin giữa Nhà nước và công dân, do đó, luật này quy định trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, từ cơ quan lập pháp, hành pháp, đến cơ quan tư pháp, từ các cơ quan Trung ương đến các cơ quan ở địa phương (như Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp; Kiểm toán Nhà nước; HĐND các cấp; UBND các cấp...) trong việc cung cấp thông tin cho công dân.

Khoản 1 Điều 9 Luật Tiếp cận thông tin quy định: Cơ quan Nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra, trừ trường hợp quy định tại Điều 6 của luật này; đối với trường hợp quy định tại Điều 7 của luật này thì cơ quan Nhà nước cung cấp thông tin khi có đủ điều kiện theo quy định.

Đối với UBND cấp xã: Do UBND cấp xã là nơi tiếp nhận hầu hết các thông tin chính thức của các cơ quan Nhà nước cấp trên (như các chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật...) và là cấp cơ sở gần với người dân nhất, là nơi cung cấp và giải đáp mọi nhu cầu, vướng mắc cho người dân, nên để tạo thuận lợi cho công dân và giảm chi phí tiếp cận thông tin cho công dân, Luật Tiếp cận thông tin quy định: Ngoài trách nhiệm cung cấp thông tin do mình và do các cơ quan ở cấp mình tạo ra, UBND cấp xã còn có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình nhận được từ cơ quan khác để trực tiếp thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, trừ trường hợp quy định tại Điều 6 của luật này; đối với trường hợp quy định tại Điều 7 của luật này thì cung cấp thông tin khi có đủ điều kiện theo quy định (khoản 1 và điểm h khoản 2 Điều 9 Luật Tiếp cận thông tin).

SỞ TƯ PHÁP BÌNH DƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên