Hỏi - đáp về luật tiếp cận thông tin

Cập nhật: 10-05-2024 | 22:11:18

Hỏi: “Thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra” trong Luật Tiếp cận thông tin được hiểu như thế nào?

Trả lời: Tại khoản 2 Điều 2 Luật Tiếp cận thông tin giải thích nội hàm của “thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra” là tin, dữ liệu được tạo ra trong quá trình cơ quan nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, được người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước đó ký, đóng dấu hoặc xác nhận bằng văn bản.

Thông thường, trong quá trình hoạt động, mỗi cơ quan nhà nước có thể tạo ra, nhận được và lưu giữ rất nhiều loại thông tin chứa đựng trong các hồ sơ, tài liệu. Đó có thể là các tài liệu do chính cơ quan đó tạo ra, hoặc nhận được từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác gửi tới để trao đổi thông tin, yêu cầu giải quyết công việc hoặc để triển khai thực hiện một nhiệm vụ cụ thể.

Để xác định chính xác nội hàm của khái niệm “thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra”, đồng thời gắn liền với trách nhiệm bảo đảm thông tin đó thuộc về cơ quan nhà nước và cơ quan đó có trách nhiệm bảo đảm tính chính xác, chính thức của thông tin do mình tạo ra, luật khẳng định thông tin đó là tin, dữ liệu được tạo ra trong quá trình cơ quan nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và phải được người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước đó ký, đóng dấu hoặc xác nhận bằng văn bản. Việc ký, đóng dấu thể hiện rõ hồ sơ, tài liệu, văn bản đó đã được cơ quan nhà nước cụ thể ban hành chính thức. Ví dụ: Các quyết định phê duyệt danh mục đầu tư, kế hoạch, chiến lược đã được ban hành, có ký tên, đóng dấu của cấp có thẩm quyền.

Ngoài ra, quy định này còn nhằm phân biệt với các trường hợp thông tin do cơ quan nhà nước trao đổi, trả lời kiến nghị, hỏi đáp của công dân về một vấn đề cụ thể liên quan tới lĩnh vực quản lý, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đó. Ví dụ: Nội dung hướng dẫn về thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, về nhận nuôi con nuôi, về cho thôi quốc tịch... Đây là trường hợp cơ quan nhà nước trả lời phản ánh, kiến nghị của công dân và để trả lời được thì cơ quan đó phải nghiên cứu các quy định của văn bản pháp luật cụ thể và tổng hợp thành nội dung để gửi tới công dân, nội dung trả lời đó không thuộc nội hàm của khái niệm “thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra” tại Luật Tiếp cận thông tin.

Hỏi: Thế nào là “tiếp cận thông tin”, “cung cấp thông tin” theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin?

Trả lời: Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật Tiếp cận thông tin, tiếp cận thông tin được hiểu là các biện pháp, phương thức để người dân biết được thông tin đó, bao gồm: Đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp thông tin.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật Tiếp cận thông tin, cung cấp thông tin được hiểu là các biện pháp để cơ quan nhà nước chuyển tải thông tin đến người dân, bao gồm việc cơ quan nhà nước công khai thông tin và cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân.

Hỏi: Công dân được tiếp cận những thông tin nào của cơ quan nhà nước?

Trả lời: Nhằm tối đa hóa phạm vi thông tin được tiếp cận cũng như bảo đảm công khai, minh bạch trong các quy định của luật, tại Luật Tiếp cận thông tin quy định rõ phạm vi các thông tin của cơ quan nhà nước mà công dân được tiếp cận.

Theo đó, tại Điều 5 của luật quy định, công dân được tiếp cận thông tin của cơ quan nhà nước, trừ thông tin không được tiếp cận quy định tại Điều 6 của luật này. Bên cạnh đó, công dân cũng được tiếp cận có điều kiện đối với những thông tin quy định tại Điều 7 Luật Tiếp cận thông tin.

Quy định loại trừ thông tin không được tiếp cận xuất phát từ nguyên tắc quyền tiếp cận thông tin là quyền có giới hạn. Giới hạn quan trọng đối với quyền tiếp cận thông tin là phạm vi thông tin được tiếp cận. Phạm vi thông tin được tiếp cận loại trừ các thông tin mà việc cung cấp có thể gây hại đối với các lợi ích quan trọng mà nhà nước có trách nhiệm bảo vệ như thông tin bí mật nhà nước, thông tin mà việc cung cấp có thể gây nguy hại cho nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về cuộc họp nội bộ của cơ quan nhà nước; tài liệu do cơ quan nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ...

SỞ TƯ PHÁP BÌNH DƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên