Hỏi: Thành phố thông minh (TPTM) là gì? Vì sao Bình Dương xây dựng TPTM?
Trả lời: Theo cách hiểu phổ biến, TPTM là nơi ứng dụng các giải pháp công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông, để giải quyết các vấn đề cụ thể, đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời tạo điều kiện để cộng đồng cùng tham gia vào quá trình này. Các giải pháp thông minh giúp quản lý một cách hiện đại, hiệu quả nhiều lĩnh vực như giao thông, giáo dục, y tế, hành chính, rác thải, nước, năng lượng, quy hoạch đô thị… Với góc nhìn từ Bình Dương, TPTM có thể được hiểu là một hệ sinh thái năng động, sáng tạo, kết nối, trong đó các thành tố đều liên tục cải tiến, đổi mới và tối ưu hóa.
Đứng trước những thách thức mang tính căn bản, những tiềm năng và cơ hội mang tầm thời đại, yêu cầu Bình Dương phải có một mô hình phát triển “thông minh” để nắm bắt toàn bộ các cơ hội ngắn hạn, đồng thời chuẩn bị cho Bình Dương vươn lên một tầm cao mới về kinh tế - xã hội, hướng đến nền dịch vụ, sản xuất công nghệ cao, giàu mạnh trong tương lai. Với khát vọng đổi mới, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, từ tháng 3-2016 Bình Dương đã triển khai Đề án TPTM.
Hỏi: Bình Dương ứng dụng mô hình nào trong xây dựng TPTM?
Trả lời: Xây dựng TPTM, dựa trên những điểm tương đồng giữa Becamex IDC (Bình Dương) và Tập đoàn Brainport (Eindhoven, Hà Lan), Bình Dương đã ứng dụng mô hình “ba nhà” (Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp) của mô hình thành phố Eindhoven. Mô hình “ba nhà” tại Bình Dương là mô hình thúc đẩy và chính thức hóa sự hợp tác mật thiết giữa chính quyền địa phương, các viện, trường, các doanh nghiệp trong tỉnh và liên kết linh động với các vùng khác. Trong mối quan hệ hợp tác này, Nhà nước giữ vai trò lãnh đạo chung, các viện, trường và doanh nghiệp nhận trách nhiệm tương ứng của mình trên mỗi lĩnh vực. Mô hình như vậy tạo ra đầu vào rộng lớn để cùng kiến tạo nên tầm nhìn chung dài hạn và thiết lập các chiến lược, chương trình hành động phù hợp, thúc đẩy Bình Dương phát triển năng động, sáng tạo.