Trước đây, nghe Tiến - khi đó còn là người yêu - kể, Hà rất thích thú khi biết gia đình anh và gia đình các chú, các cô, các dì khá đoàn kết, nhất trí cao trong chuyện thường xuyên gặp gỡ những dịp giỗ chạp, ngày nghỉ cuối tuần, lễ kỷ niệm... Nhìn bên ngoài, ai cũng cho rằng đại gia đình ấy thật vui vẻ, đáng mơ ước.
Hầu như các nhà đều ở gần nhau, quanh quanh một khu phố. Hễ có việc gì, từ sinh nhật đứa cháu con nhà cô, đến thôi nôi đứa út con nhà dì, từ sinh nhật ông bác đến kỷ niệm ngày cưới của ông chú… các gia đình lại tụ tập, nấu nướng, ăn uống, rồi hát karaoke, rồi trò chuyện như bắp rang. Thực ra gia đình nào cũng khá giả, việc nấu nướng, dọn dẹp, trông trẻ con là của người giúp việc, các bậc cha chú, các thanh niên trẻ hay lớp cháu tuổi thiếu niên choai choai chỉ việc ăn, nhậu, hát hò và... tán phét đủ mọi chuyện trên trời dưới đất.
Gần ngày cưới, thấy Hà nói chuyện đi mua sắm thêm mấy đồ bát đĩa, nấu bếp, mẹ chồng cười tươi: “Việc gì phải mua sắm hả con, khỏi cần”. Hà ngơ ngác không hiểu, vì hai vợ chồng ở riêng, tuy ngay cùng con hẻm với ba mẹ nhưng cô nghĩ ít nhất cũng phải tự nấu ăn, thì mẹ chồng nói vanh vách trơn tru và vô cùng dễ dãi: “Trưa thì hai đứa đều tự ăn ở công sở rồi, tối về qua nhà mẹ, ô sin bên này nấu, tụi con thích ăn ở đây thì ăn, thích mang về ăn thì mang về. Bát đĩa mẹ mua đủ cho cả họ ăn tiệc, con lo gì”. Nghe Hà kể, cô bạn thân xuýt xoa: “Ôi sao bồ sướng thế, nhất bồ rồi, tha hồ mà rảnh nhé. Lại chẳng sợ ông chồng săm soi nấu ngon hay dở. Mình chỉ mong ước được như bồ, chứ sáng sáng đi chợ, tối tối về cặm cụi nấu nướng, chán lắm”.
Hà thì nghĩ khác. Hà không ngại nấu nướng, trước khi lấy chồng Hà đã học mấy khóa nấu ăn, mong được tự tay trổ tài chăm sóc đức lang quân. Hơn nữa, Hà cũng kỹ lưỡng, cẩn thận và khá khó tính trong chuyện ăn uống. Vậy mà mẹ chồng đã quyết định, Tiến cũng coi như đó là chuyện tất nhiên, nên Hà đành chịu… rảnh. Mấy cặp vợ chồng trẻ con nhà chú, nhà bác cũng y như vậy, đều theo một mô hình: nhanh - gọn nhẹ, không ai nấu ăn, không ai rửa bát. Nhà “các” ba mẹ vừa có người giúp việc theo giờ đến lau dọn, vừa có người giúp việc chuyên nấu ăn, thế nên tận dụng cũng là hợp lý. Cái sự băn khoăn của Hà bị coi là “sướng mà không biết hưởng”. Thế là, cuối tuần muốn ra tay nấu nướng món mình thích cũng không có cơ hội. Vì theo lệ, những cuộc ăn nhậu tập thể cũng cứ vòng vòng hết nhà nọ sang nhà kia. Ai không có lý do “chính đáng” thì đừng mơ... không có mặt.
Đến cái tết vừa qua, Hà thấy thật “oải”, vì “hội” ăn chơi gia đình cứ thâu đêm suốt sáng. Mấy ông bà lớn tuổi “zô… zô” liên hồi và sau khi nhậu có “chiếu” riêng với những cuộc ăn thua tiền triệu (cho vui) thì mấy đứa cháu choai choai cũng “zô… zô” và cũng có chiếu “riêng” đánh bài với tiền “cho vui” hàng trăm ngàn đồng. Trong khi mấy cô chú hát “tôi ca không hay tôi đàn nghe cũng dở”… thì đám cháu lau nhau hét “tình là tình nhiều khi không mà có” ỏm tỏi, chẳng ai nhắc nhở quan tâm. Nhưng Hà cũng phát hiện ra những ngoại lệ. Có một gia đình ông chú út bị “tẩy chay”, bị coi là “chảnh”, “keo kiệt”, “không chung giọt máu đào” vì không chịu tham gia “hội” thường xuyên. Cũng có một gia đình bà bác tiền không nhiều nhưng vẫn cố ăn chơi cho bằng mấy nhà kia! Và không ít lần Hà nghe thấy những lời khích bác, những câu giả lả không thật lòng cho lắm...
Sự vắng mặt vài lần “không có lý do chính đáng” của Hà làm ba mẹ chồng và mấy cô chú ngấm nguýt. Nhưng Hà có lý do của riêng mình: cô muốn chồng và cả đứa con sắp sinh sau này không quá ỷ lại, sa đà vào những cuộc vui mà thực chất nhiều khi chỉ là mất thời gian, vô bổ.
Theo TNO