Hội Khoa học lịch sử (KHLS) tỉnh vừa tổ chức thành công Đại hội lần II nhiệm kỳ 2011-2015. Nhìn lại nhiệm kỳ qua, tuy là nhiệm kỳ đầu tiên nhưng Hội KHLS tỉnh đã tổ chức được nhiều hoạt động hết sức ý nghĩa. Tại Đại hội II, Hội KHLS cũng đề ra phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới, trong đó đặc biệt chú trọng đến những hoạt động phổ biến kiến thức lịch sử đến mọi tầng lớp nhân dân...
Những kết quả bước đầu
Nhiệm kỳ qua, tuy mới thành lập nhưng Hội KHLS tỉnh đã tập hợp được đội ngũ những người đang hoạt động trong ngành KHLS trên địa bàn tỉnh; thực hiện thành công mục tiêu thông tin và phổ biến kiến thức cho các nhà nghiên cứu, người làm công tác giảng dạy, góp phần giáo dục thanh thiếu niên về lịch sử truyền thống dân tộc. Sau đại hội Hội KHLS tỉnh lần I nhiệm kỳ 2005-2010, toàn hội có 86 hội viên. Đến nay, Hội KHLS tỉnh đã phát triển thêm 35 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn hội lên 121 người. Bên cạnh 3 chi hội đã được hình thành sau đại hội lần I, trong nhiệm kỳ qua, hội cũng đã hình thành thêm 4 chi hội ở thị xã Thuận An và Dĩ An, huyện Tân Uyên, Bến Cát.
Tập san KHLS của Hội KHLS Bình Dương được Trung ương hội đánh giá caoMột trong những công việc mang tính cốt yếu cho sinh lực hoạt động lâu dài của hội chính là công tác phát triển KHLS. Trong thời gian qua, hội đã tập trung biên soạn và phát hành một số tác phẩm mang tính chuyên đề, như: Thủ Dầu Một xưa qua địa chí 1910 và bưu ảnh, Bình Dương danh lam cổ tự, Nguyễn Sinh Huy chân dung một nhà Nho, Lưu Hương diễn nghĩa bảo quyển. Mặc dù điều kiện kinh phí còn hạn chế, song hội cũng đã tổ chức và phối hợp tổ chức thành công các hội thảo khoa học. Trong đó, hội thảo khoa học về nhân vật Trần Thượng Xuyên và ngôi mộ cổ của ông ở xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên đã thu hút 12 bài tham luận, cung cấp những tư liệu, kết quả sưu tầm làm sáng tỏ về thân thế và sự nghiệp của nhân vật Trần Thượng Xuyên. Hội thảo về hoạt động giảng dạy môn lịch sử trong trường phổ thông trên địa bàn tỉnh thu hút 20 bài tham luận, là diễn đàn cho các thầy, cô đang giảng dạy môn lịch sử trên địa bàn tỉnh có dịp trao đổi kinh nghiệm và cung cấp những thông tin bổ ích về các nguồn tư liệu phục vụ công tác giảng dạy. Trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học, hội đã thực hiện nghiên cứu đề tài cấp tỉnh “Người Hoa ở Bình Dương, lịch sử và hiện trạng”. Vừa qua, đề tài này đã được nghiệm thu đạt kết quả xuất sắc. Ngoài ra, các hội viên còn tham gia biên soạn lịch sử địa phương TX. Thuận An, lịch sử Chiến khu Vĩnh Lợi và 12 xã trên địa bàn tỉnh...
Để góp phần tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử nước nhà của mọi đối tượng, trong nhiệm kỳ qua, Hội KHLS tỉnh đã phối hợp với Hội Tin học cho ra đời trang thông tin điện tử (TTĐT) www.sugia.vn. Đây là trang thông tin điện tử hoạt động theo mục tiêu thiện nguyện, nhưng đã tập hợp được nhiều nguồn tư liệu trong và ngoài nước nhằm minh họa các sự kiện lịch sử một cách khoa học. Tuy mới ra đời, nhưng đến nay trang TTĐT này đã có hơn 752.600 lượt truy cập. Đây được xem là một trong những trang TTĐT uy tín về lịch sử của Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin về lịch sử cho đông đảo độc giả, hội cũng đã xuất bản 20 tập san KHLS tỉnh, với số lượng phát hành 10.000 quyển, cung cấp miễn phí đến các cơ quan, ban ngành trong và ngoài tỉnh. Với nguồn tư liệu phong phú, tập san thực sự trở thành diễn đàn của giới KHLS trong và ngoài tỉnh, cung cấp nhiều thông tin quý giá cho độc giả trên nhiều lĩnh vực, như: Thân thế và sự nghiệp các anh hùng - liệt sĩ địa phương; quá trình hình thành và thành tích chiến đấu của các đơn vị lực lượng vũ trang; giới thiệu những nét đặc sắc của các ngôi chùa, đình, miếu và lễ hội trên địa bàn tỉnh; giới thiệu các công trình kiến trúc cổ; thông tin về các công trình khảo cổ trên địa bàn tỉnh; các ngành nghề mỹ nghệ truyền thống của tỉnh nhà; tìm hiểu về cộng đồng cư dân và các bang người Hoa; lịch sử truyền thống các địa phương trong tỉnh và nhiều tư liệu lịch sử khác góp phần nâng cao nhận thức, giáo dục truyền thống cho mọi đối tượng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Tiếp tục phổ biến kiến thức đến mọi tầng lớp nhân dân
Theo đánh giá của Hội KHLS tỉnh, trong những năm tới, tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục phát triển mạnh về kinh tế - xã hội, đời sống văn hóa tinh thần của người dân trong tỉnh sẽ từng bước được nâng lên, tinh thần hướng về cội nguồn, bảo tồn và phát triển văn hóa, truyền thống dân tộc sẽ là nét nổi bật của toàn xã hội. Trong xu thế phát triển đó, hội sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp tục phát triển hơn nữa. Bên cạnh việc làm tốt công tác phát triển hội viên mới, tổ chức các hoạt động giao lưu... một trong những hoạt động mà hội đặc biệt chú trọng trong nhiệm kỳ mới là hoạt động phổ biến kiến thức. Cụ thể, hội sẽ tiếp tục phổ biến kiến thức lịch sử, nâng cao nhận thức về KHLS đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; giữ gìn, phát huy truyền thống các giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc và của địa phương; nâng cao chất lượng dạy và học môn lịch sử ở các trường phổ thông trong tỉnh, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ...
Bên cạnh đó, việc nghiên cứu khoa học cũng được đẩy mạnh hơn nữa. Hội sẽ tổ chức các hội thảo, chuyên đề về KHLS cho hội viên và các đối tượng có liên quan; tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học cấp tỉnh; tham gia hội thảo, giám định các đề tài KHLS cấp tỉnh; tổ chức các hoạt động tham quan ngoại khóa nhằm mở rộng kiến thức, giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa dân tộc; phối hợp với Hội KHLS trong khu vực miền Đông Nam bộ nhằm tăng cường hợp tác, nghiên cứu khoa học, thông tin giáo dục truyền thông kiến thức lịch sử chung...
Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam: “Chúng tôi đánh giá rất cao những việc Hội KHLS Bình Dương đã làm...”
Nhìn vào hoạt động của Hội KHLS Bình Dương, chúng tôi rất vui mừng khi thấy hội đã rất chủ động và hoạt động hết sức năng động, khai thác được các nguồn lực tại chỗ và đồng thời cũng khai thác được các nhu cầu của xã hội. Chúng tôi đánh giá rất cao những việc Hội KHLS Bình Dương đã làm, đặc biệt là việc khai thác công nghệ, những phương thức hoạt động sử học hiện đại. Chúng tôi đánh giá rất cao việc hội đã ra được một tập san, trong đó chứa đựng rất nhiều vấn đề lịch sử của địa phương.
Chúng tôi cũng mong muốn, Hội KHLS tỉnh Bình Dương sẽ ý thức được rằng, những thành tựu, kết quả mà hội đạt được trong thời gian qua có sự đóng góp, nỗ lực của Ban chấp hành, các hội viên và có sự hỗ trợ rất mạnh mẽ, hiệu quả của chính quyền, các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan và đặc biệt là của cả cộng đồng. Chúng ta ghi nhận và cố gắng tranh thủ sự đóng góp, hỗ trợ ấy để làm điều kiện cho sử học của địa phương tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Minh Giao, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: “Cần có cơ chế để hội hoạt động chuyên sâu hơn...”
Những thành tích của Hội KHLS tỉnh đã đạt được trong nhiệm kỳ qua rất đáng ghi nhận. Những thành tích này đã góp phần vào thành công chung trong việc ổn định về chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong thời gian qua.
Hoạt động của hội trong thời gian tới sẽ hết sức sôi nổi và thu hút thêm nhiều hội viên hơn, vì thế phương thức hoạt động của hội cũng phải đổi mới hơn nữa. Cần có một cơ chế để hội hoạt động chuyên sâu hơn, có người chuyên tâm về lĩnh vực này. Hội cần phối hợp với Báo Bình Dương, Đài PT-TH tỉnh, mở ra chương trình, chuyên mục nói về lịch sử địa phương, nhằm phổ biến kiến thức lịch sử và đại chúng hơn về hoạt động của hội trong thời gian tới. Tôi tin rằng, Hội KHLS Bình Dương sẽ có nhiều sáng kiến, đề xuất hơn trong thời gian tới, kể cả tầm hoạt động và sức thu hút để đưa hoạt động của hội ngày càng phát triển, xứng đáng là đội ngũ chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận tư tưởng văn hóa, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
CẨM LÝ (ghi)
HỒNG THUẬN