Hội LHPN xã Cây Trường (Bến Cát): Nhiều mô hình hay giúp nhau làm kinh tế

Cập nhật: 29-07-2013 | 00:00:00

Xác định điều kiện kinh tế, đời sống của hội viên (HV) có mạnh thì hội mới vững, những năm qua, Hội LHPN xã Cây Trường (Bến Cát) đã đẩy mạnh phong trào giúp nhau cùng phát triển kinh tế. Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả được triển khai và nhân rộng, góp phần tích cực giúp HV phát triển kinh tế hộ, xóa đói giảm nghèo.

Chị Đặng Thị Thu Hằng, hội viên Hội LHPN xã Cây Trường sau khi được vay vốn từ các tổ tiết kiệm của hội đã mở đại lý tạp hóa tại nhà, kinh tế của gia đình chị từ đó ngày càng nâng cao

Hội LHPN xã Cây Trường hiện có 918 HV tham gia sinh hoạt tại 18 chi, tổ hội cơ sở. Ngoài việc tích cực vận động, tuyên truyền chị em thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hội còn triển khai nhiều hoạt động, mô hình thiết thực hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Hội đã chỉ đạo các cơ sở tìm hiểu, thống kê số hộ nghèo của từng ấp, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ và số HV nghèo để có các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời. Tính đến đầu tháng 7-2013, có 208 hộ HV vay vốn và tham gia gửi tiết kiệm gần 480 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội; tiếp tục duy trì và phát triển ở 18 tổ tương trợ vốn, 5 tổ xoay vòng vốn với 282 HV tham gia đóng góp trên 185 triệu đồng cho 359 chị vay, mượn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Nhờ có sự đôn đốc, theo dõi chặt chẽ nên hầu hết HV được vay vốn sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả, không để nợ quá hạn, đời sống kinh tế gia đình HV từng bước được nâng lên.

Song song với việc giúp đỡ nguồn vốn, Hội LHPN xã còn vận động thực hành tiết kiệm để giúp đỡ các HV nghèo bằng nhiều hình thức như: vận động “ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, duy trì phát triển thêm mô hình nuôi heo đất tiết kiệm. Đặc biệt, với mô hình “tổ tiết kiệm mua sắm vật dụng gia đình” thành lập từ tháng 5-2012, đến nay đã có 11 chị tham gia, đóng góp được 60 triệu đồng giúp cho 12 chị em mua sắm được những vật dụng cần thiết trong sinh hoạt gia đình hay mua máy vi tính, đóng học phí cho con...

Bên cạnh đó, bản thân mỗi chị em trong hội còn nhiệt tình giới thiệu, giúp đỡ cho các chị em nhàn rỗi khác có việc làm tăng thêm thu nhập. Điển hình như chị Nguyễn Thị Trang, ấp Ông Thanh, sau 6 năm đi làm công nhân tại các công ty điện tử, chị nghỉ việc và xin công ty nhận hàng về làm gia công tại nhà. Do làm tốt, dần dần chị được công ty tin tưởng và cho mượn máy móc, trang thiết bị về đặt tại nhà. Từ đây, chị đã tạo việc làm cho 10 lao động trẻ tại địa phương với thu nhập 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, 70 HV hiện đang nhận hàng điện tử về làm gia công tại nhà trước đây đều đã được chị Trang nhiệt tình dạy việc.

Từ những việc làm trên, có thể thấy, phong trào phụ nữ giúp nhau làm kinh tế luôn có ý nghĩa thiết thực nhằm thúc đẩy các hoạt động của hội và thu hút nhiều chị em tham gia vào tổ chức hội. Đồng thời, các phong trào này cũng góp phần cùng địa phương xóa hộ đói, giảm hộ nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. “Trong thời gian tới, hội sẽ có những việc làm cụ thể để giúp HV phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững và chống tái nghèo bằng nhiều biện pháp phù hợp với từng đối tượng”, chị Nguyễn Thị Toàn, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết.

Chị Đặng Thị Thu Hằng, hội viên phụ nữ ở ấp Ông Chài tâm tình: “Trước đây tôi làm nghề mua bán bún ở chợ Long Bình (xã Long Nguyên, Bến Cát). Nhà xa nên ngày nào cũng phải đi từ lúc 5 giờ sáng, chiều tối mới về, lời lãi chẳng đáng là bao. Tháng 12-2012, được Hội Phụ nữ xã cho vay 75 triệu đồng từ tổ tương trợ, tổ xoay vòng vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện (không lấy lãi), tôi mở đại lý tạp hóa trước nhà vừa làm vừa có thời gian chăm sóc con cái. Sau gần 8 tháng hoạt động, đến nay tôi đã hoàn trả hết số vốn cho hội.

TÂM BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên