Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Bến Cát: Nhiều “cần câu” cho phụ nữ nghèo

Cập nhật: 19-12-2011 | 00:00:00

Mô hình heo đất tiết kiệm của Hội LHPN thị trấn Mỹ Phước đã giúp vốn cho nhiều phụ nữ

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Hội LHPN huyện Bến Cát đã xây dựng kế hoạch tập trung chỉ đạo cho cơ sở nắm vững số phụ nữ nghèo, nữ chủ hộ nghèo và khảo sát nhu cầu của từng trường hợp nhằm có các giải pháp thích hợp thông qua công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình. Với những giải pháp thiết thực đó, Hội LHPN Bến Cát luôn là đơn vị dẫn đầu có số lượng dư nợ ủy thác cao nhất trong các đoàn thể của huyện.

Năm 2011, Hội LHPN huyện đã tín chấp vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn Oxfam và các nguồn vốn khác cho trên 1.300 hội viên vay với số tiền gần 10,4 tỷ đồng, nâng tổng số vốn hội đang quản lý lên gần 73,7 tỷ đồng. Với sự hỗ trợ của hội thông qua hoạt động tín chấp, từ năm 2006 đến nay đã có hàng ngàn nữ chủ hộ thoát nghèo. Bên cạnh hoạt động tín chấp, hội đã vận động ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo đạt trên 200% so với chỉ tiêu với gần 303 triệu đồng đạt 252%. Một trong những hình thức tập hợp thu hút đông đảo chị em tham gia sinh hoạt là mô hình “chị khá giúp chị khó”, tổ tương trợ, xoay vòng vốn, tổ tín dụng tiết kiệm... Đây là hoạt động thể hiện tinh thần tương thân tương ái giúp nhau lúc khó khăn. Hàng năm, hội phát triển từ 20 - 30 tổ nhóm, bình quân hàng năm chị em giúp nhau trên 2 tỷ đồng vốn vay không tính lãi.

Chị Nguyễn Thị Ánh Diệp, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Bến Cát, cho biết với quan điểm “cho con cá không bằng giúp cần câu”, song song việc hỗ trợ vốn, hội còn chú trọng đến dạy nghề và giới thiệu việc làm cho phụ nữ, nhất là phụ nữ ở vùng nông thôn và các khu vực chuyển đổi cơ cấu kinh tế nhằm giúp chị em sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn. Năm nay, hội phối hợp với Phòng Kinh tế, Hội Nông dân, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm khuyến nông... tổ chức các lớp tập huấn về trồng nấm, trồng rau mầm, chăm sóc cây cao su, hoa lan, cây kiểng... Hội cũng đã phối hợp với các ngành liên quan giới thiệu việc làm và nhận hàng gia công tại gia đình cho trên 1.000 chị.

Từ “cần câu” của Hội LHPN huyện trao, nhiều chị em phụ nữ nghèo đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay. Chị Vương Thị Hoàng Nhân ở xã An Điền, cho biết từ nguồn vốn của hội, chị đã đầu tư đào ao nuôi cá và số còn lại đầu tư vào kinh doanh buôn bán nhỏ. Hay như chị Trần Thị Ty ở xã Tân Định, sau khi được vay vốn đã chọn chăn nuôi nhằm phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, gia đình chị đã thoát nghèo và còn là hội viên tích cực trong các hoạt động tương thân tương ái giúp nhau vốn không tín lãi... Không riêng chị Ty, chị Nhân mà từ năm 2006 đến nay đã có trên 3.000 phụ nữ nghèo của huyện đã thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.

Chị Nguyễn Thị Ánh Diệp cho biết thêm trong thời gian tới, hội sẽ tiếp tục công tác rà nắm những hộ phụ nữ đặc biệt là nữ chủ hộ nghèo, phấn đấu tất cả nữ chủ hộ nghèo được giúp đỡ. Ngoài ra sẽ phát triển các hình thức mới để giúp phụ nữ giảm nghèo, chống tái nghèo. Đó cũng là một trong những mục tiêu phấn đấu của Hội LHPN huyện Bến Cát trong nhiệm kỳ mới.

TRÍ DŨNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên