Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Giáo: Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo
(BDO) Thời gian qua, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Phú Giáo đã triển khai thực hiện hiệu quả mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm để giảm nghèo và mua bảo hiểm y tế (BHYT)” cho cán bộ, hội viên, phụ nữ. Mô hình đã động viên, khích lệ đông đảo chị em thực hành tiết kiệm một cách thường xuyên; từng bước xây dựng văn hóa tiết kiệm trong đời sống hàng ngày.
Mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm” được đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tại huyện Phú Giáo tham gia thực hiện (Ảnh chụp trước khi dịch bệnh bùng phát)
Mô hình nuôi heo đất tiết kiệm hẳn không quá xa lạ, đặc biệt là trong các tổ chức đoàn thể, chính trị. Bởi thông qua mô hình này mang lại giá trị rất nhân văn, đó là giáo dục đức tính tiết kiệm cho mọi người, đồng thời giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Điểm nổi bật, sáng tạo của mô hình “Nuôi heo đất” là mục đích sử dụng số tiền tiết kiệm để mua BHYT cho chính người tham gia mô hình và để giúp phụ nữ nghèo, khó khăn vay hoặc cho mượn để phát triển kinh tế, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. Mô hình còn góp phần cùng địa phương thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Chị Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Giáo, nói: “Để thực hiện hiệu quả mô hình nuôi heo đất tiết kiệm, sau khi ban hành kế hoạch, Hội LHPN huyện đã tổ chức họp Ban Chấp hành để triển khai và chỉ đạo, hướng dẫn Hội LHPN cơ sở thực hiện. Bước đầu, hội tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, hội viên phụ nữ về mục đích, ý nghĩa và cách thức triển khai thực hiện mô hình nhằm vận động phụ nữ tích cực tham gia, mỗi hội viên tiết kiệm ít nhất 4.000 đồng/ngày (tương đương khoảng gần 1,5 triệu đồng/năm/hội viên). Sau đó, hội 2 cấp tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng trong toàn thể cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hiện mô hình; động viên, khích lệ đông đảo chị em thực hành tiết kiệm một cách thường xuyên; từng bước xây dựng văn hóa tiết kiệm trong đời sống hàng ngày của mỗi gia đình cán bộ, hội viên phụ nữ, cộng đồng và xã hội”.
Qua thời gian triển khai thực hiện mô hình, Hội LHPN huyện đã tiến hành kiểm tra 100% cơ sở hội, tập trung vào các nội dung, như: Công tác triển khai mô hình, tuyên truyền vận động, việc lập sổ sách theo dõi các tập thể, cá nhân tham gia và kết quả thu số tiền tiết kiệm từ mô hình. Qua quá trình triển khai thực hiện, mô hình đã được đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ đồng tình hưởng ứng, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ về ý thức và thói quen thực hành tiết kiệm trong đời sống hàng ngày, thể hiện tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, giúp hội viên nghèo vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế gia đình, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. Song song đó, việc phát động mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm” để mua BHYT tự nguyện cho cán bộ, hội viên, phụ nữ nhằm bảo đảm cho các tầng lớp phụ nữ đều được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, góp phần thực hiện mục tiêu công bằng, hiệu quả chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Từ những kết quả đạt được, mô hình đã góp phần đem lại quyền lợi thiết thực cho phụ nữ, chị em được vay vốn phát triển kinh tế, yên tâm trong chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình. Từ đó, trách nhiệm và uy tín của tổ chức Hội LHPN được nâng lên, tạo thêm niềm tin, sự gắn bó của chị em với tổ chức. Cấp ủy, chính quyền đánh giá cao vai trò, sự tham gia của tổ chức hội trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị địa phương, góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tạo động lực thúc đẩy phong trào phụ nữ phát triển, thu hút đông đảo chị em vào tổ chức hội. Đây là điều kiện thuận lợi để Hội LHPN huyện xây dựng tổ chức vững mạnh thời gian qua.
NGỌC NHƯ