Trong ngày đầu tiên diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 18 tại thủ đô Jakarta của Indonesia, vấn đề an ninh lương thực, năng lượng được đưa lên thành vấn đề chính yếu cần sự hợp sức của tất cả quốc gia thành viên. Bên cạnh đó là sự đồng thuận rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các nước.
Bài toán khó về an ninh lương thực và năng lượngPhát biểu ngay trong phiên khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 18, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono nhấn mạnh, giá cả năng lượng và lương thực tăng nhanh trong thời gian qua đã đẩy ngày càng nhiều người dân trong khu vực vào cảnh đói nghèo, đặc biệt là nông dân, lực lượng chủ chốt tham gia vào hoạt động sản xuất lương thực. Do vậy, các quốc gia ASEAN cần hợp tác để chống lại lạm phát, một tác nhân lớn ngăn cản quá trình hồi phục của các nước sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu bùng phát từ năm 2008.
Trong bài phát biểu kêu gọi các quốc gia ASEAN chung tay hành động, Tổng thống Susilo đưa ra những đề xuất cụ thể. Đối với lĩnh vực năng lượng, các quốc gia thành viên nên cùng hướng đến hợp tác đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng tái tạo như thủy điện và địa nhiệt.
Lãnh đạo các nước ASEAN tham dự hội nghị.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo ASEAN nhấn mạnh cần tiếp tục phát huy các công cụ chính trị - an ninh hiện có của ASEAN, trong đó có Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), Hiệp ước
Khu vực Đông Nam Á phi vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF)..., cũng như tiếp tục xây dựng các chuẩn mực ứng xử chung nhằm củng cố và tăng cường hơn nữa môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực, giải quyết các bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở Hiến chương ASEAN và luật pháp quốc tế.
Lãnh đạo ASEAN nhất trí cần tăng cường hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an toàn hạt nhân, an ninh, an toàn hàng hải, biến đổi khí hậu...
Tại phiên họp toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu về nhiều chủ đề quan trọng của phiên họp. Chiều cùng ngày, Thủ tướng tham dự cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo ASEAN với đại diện Đại hội đồng Liên minh nghị viện các nước ASEAN (AIPA), gặp đại diện thanh niên và đại diện các tổ chức quần chúng.
Chung tay vượt khóVài ngày trước khi diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 18, tại Indonesia đã diễn ra Hội nghị Hướng đến cộng đồng ASEAN: “Đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ”.
Hơn 200 đại diện đến từ các nước thành viên đã tham dự hội nghị với mong muốn chung tay tìm hướng thoát cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), những đối tượng “dễ bị tổn thương” trong khủng hoảng kinh tế nhưng có sức bật ấn tượng nếu được đầu tư và tạo điều kiện đúng mức. Vấn đề này được thảo luận ngay trước thềm Hội nghị Cấp cao ASEAN, theo Tổng thống Susilo cũng là cách để thể hiện quyết tâm giải quyết vấn đề khoảng cách phát triển để mọi người dân đều có thể hưởng lợi từ công cuộc hội nhập.
Theo thống kê, các SMEs chiếm tới hơn 96% tổng số doanh nghiệp trong ASEAN, tạo ra khoảng 50%-95% việc làm cho khu vực, đóng góp 30%-53% tổng sản phẩm quốc nội và 19%-31% giá trị xuất khẩu của ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo ASEAN trong buổi gặp đại diện thanh niên ASEAN.
Hiện Quỹ Cơ sở hạ tầng ASEAN với số vốn góp 485,2 triệu USD từ chính phủ các nước ASEAN và Ngân hàng Phát triển châu Á để tài trợ cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực cũng đã được thành lập nhằm thu ngắn khoảng cách phát triển giữa các nước trong khu vực.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Thủ tướng Lào và Thủ tướng Thái Lan để thúc đẩy quan hệ song phương và trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Theo SGGP