Sáng 29-11, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp (DN) và Hiệp hội ngành hàng trên địa bàn tỉnh về lao động và việc làm. Chủ trì hội nghị có ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành và các hiệp hội ngành hàng trên địa bàn tỉnh. Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến để xây dựng các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, chăm lo tốt đời sống người lao động (NLĐ) trong thời gian tới.
Nhiều DN hoạt động cầm chừng
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ tháng 6-2022, nhiều DN ở ngành giày da, gỗ và dệt may thiếu đơn hàng sản xuất khiến thu nhập của NLĐ bị ảnh hưởng. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chủ trì, tổ chức hàng loạt các hội nghị, hội thảo nhằm đối thoại, thực hiện các biện pháp hỗ trợ DN; tăng cường trao đổi, tiếp xúc giữa lãnh đạo tỉnh, các sở, ban ngành với các DN, chi hội DN nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn tỉnh để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Tuy nhiên, do khó khăn chung về kinh tế trên toàn thế giới nên nhiều DN trên địa bàn tỉnh đang bị ảnh hưởng về sản xuất, việc làm.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương cho biết chưa lúc nào ngành gỗ gặp khó khăn như hiện nay vì thiếu hụt đơn hàng, nguyên vật liệu. Các DN ngành gỗ đã chủ động giảm giá hàng, miễn phí vận chuyển vẫn không có người mua. Hiện nhiều DN trong ngành gỗ đang gặp khó. Các DN đang cố xoay sở, duy trì sản xuất bằng cách giảm giờ làm, giữ chân NLĐ. Tuy khó khăn chồng chất, nhưng nhiều DN gỗ vẫn bảo đảm lương tháng 13 cho NLĐ để họ có tiền ăn tết. Trước đó vào khoảng tháng 7-2022, nhiều DN trong ngành gỗ đã thưởng 1 tháng lương để NLĐ có tiền chi tiêu, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho NLĐ. Các DN ngành gỗ đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng để NLĐ có việc làm vào năm sau.
Tại hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị phối hợp tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thực hiện tốt kế hoạch chăm lo tết cho người lao động. Ảnh: QUANG TÁM
Còn bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội ngành Dệt may Bình Dương, chia sẻ: “Hiện nhiều DN trong ngành dệt may đang gặp khó về đơn hàng, đặc biệt là các DN lớn. Ngành dệt may đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng. Trước mắt, các DN gặp khó chỉ cho lao động làm việc cầm chừng, không tăng ca, nên NLĐ bị giảm sâu thu nhập”.
Từ những khó khăn chung, các DN, hiệp hội đề xuất với UBND tỉnh các giải pháp như: Tạo điều kiện hỗ trợ cho DN vay vốn ưu đãi, khoanh nợ vốn vay, chậm đóng bảo hiểm để duy trì hoạt động. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cần có giải pháp, chính sách hỗ trợ, chăm lo đời sống NLĐ bằng các gói chính sách. Bởi khi DN gặp khó, không giữ chân được NLĐ thì sẽ gặp khó khăn hơn nhiều khi có đơn hàng trở lại, có đầu ra sản phẩm. Khi đó, DN sẽ thiếu lực lượng lao động có tay nghề đáp ứng được công việc, nếu tuyển dụng mới thì mất nhiều thời gian đào tạo công việc từ đầu. ..
Nhiều giải pháp đề ra
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết với các ngành giày da, may mặc, chế biến gỗ đang gặp khó khăn về đơn hàng, xuất khẩu, sở đã xúc tiến tìm thị trường mới đó là thị trường Ấn Độ, Châu Mỹ La tinh, Trung Đông và tập trung vào thị trường lớn là Trung Quốc để tìm đơn hàng, đẩy mạnh sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho DN. Với một số đề xuất của DN, sở đã kịp thời báo cáo UBND tỉnh để giúp DN tháo gỡ khó khăn. Theo ông Toàn, hy vọng đầu quý II-2023, tình hình xuất khẩu của Bình Dương sẽ phát triển hơn.
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương nêu những khó khăn mà ngành gỗ đang gặp phải
Về các hoạt động chăm lo NLĐ, bên cạnh các hoạt động chăm lo tết, hỗ trợ tàu, xe cho NLĐ về quê đón tết, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đang vận động chủ nhà trọ tại các địa phương giảm tiền thuê trọ để giúp NLĐ vơi đi khó khăn. Đồng thời, LĐLĐ tỉnh đề xuất với Tổng LĐLĐ Việt Nam các gói hỗ trợ khác như gói hỗ trợ tiền thuê nhà trọ vừa qua... Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết: “Dự kiến trước khó khăn về sản xuất và năm nay NLĐ ở lại Bình Dương ăn tết nhiều hơn, LĐLĐ tỉnh đã có báo cáo gửi UBND tỉnh hỗ trợ quà cho NLĐ gấp đôi tết năm 2022. Số lượng quà năm nay ước tính khoảng 46.000 phần, mỗi phần trị giá 500.000 đồng. Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh và các cấp Công đoàn trong tỉnh trích tài chính công đoàn để tặng quà hoặc tiền khoảng 100.000 suất quà, mỗi suất trị giá 500.000 đồng. Đồng thời, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp Công đoàn cơ sở sẽ sử dụng tất cả các nguồn tài chính công đoàn để tập trung chăm lo cho NLĐ”.
Qua lắng nghe ý kiến về những khó khăn từ DN, hiệp hội ngành hàng, ông Võ Văn Minh đã chia sẻ với DN về những khó khăn các DN đang gặp phải; đồng thời động viên các DN đang gặp khó nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, tạo việc làm cho NLĐ. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, LĐLĐ tỉnh và các địa phương phối hợp tốt trong việc thực hiện kế hoạch chăm lo tết cho NLĐ, đặc biệt là số lao động khó khăn, ở lại Bình Dương đón tết. Ông Võ Văn Minh yêu cầu các sở, ngành liên quan như Cục Thuế, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Công thương, Bảo hiểm Xã hội tỉnh phối hợp tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. UBND tỉnh ghi nhận những đề xuất của DN và kiến nghị với các cấp về những đề xuất của DN nhằm ổn định sản xuất trong thời gian tới.
QUANG TÁM