Hội nghị gặp gỡ các nhà đầu tư xã hội hóa lĩnh vực y tế, giáo dục: Lắng nghe để “gỡ khó”
Ngày 13-9, Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị gặp gỡ các nhà đầu tư xã hội hóa lĩnh vực y tế, giáo dục. Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Văn Hùng, nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC) và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cùng đại diện các nhà đầu tư xã hội hóa lĩnh vực y tế, giáo dục.
Toàn cảnh hội nghị gặp gỡ các nhà đầu tư xã hội hóa lĩnh vực y tế, giáo dục được Tỉnh ủy tổ chức vào sáng 13-9. Ảnh: KIM HÀ
Luôn lắng nghe các ý kiến đóng góp
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, thông tin với các nhà đầu tư về quy hoạch vùng đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Dương và mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, y tế. “Hội nghị hôm nay, tôi mong muốn các nhà đầu tư nói thẳng, đóng góp chân thành để tỉnh giải quyết dứt điểm vướng mắc nhằm thúc đẩy tỉnh phát triển hơn nữa”, ông Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh.
Tham gia ý kiến tại hội nghị, đại diện Công ty Cổ phần Đồng Tâm Bình Dương (chủ đầu tư Trường Mầm non Sao Mai), cho biết trước đây công ty không được hướng dẫn lập thủ tục đầu tư dự án, trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư trường. Khi công ty nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) tại Sở Tài nguyên và Môi trường thì bị vướng các thủ tục pháp lý. Công ty đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét tháo gỡ khó khăn này để đơn vị được cấp GCNQSDĐ.
Đại diện Công ty Cổ phần Giáo dục Faraday (Trường Mầm non Sáng tạo Fa-Ra-Đây) nêu kiến nghị
Bà Đỗ Lê Thanh Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngôi Nhà Hạnh Phúc (TP.Tân Uyên), cho hay hiện đơn vị rất tâm huyết đầu tư vào lĩnh vực giáo dục “nhưng gặp nhiều khó khăn trong chuyển mục đích sử dụng đất sang đất giáo dục nên mong muốn các ngành, địa phương hướng dẫn”.
Trường Tiểu học, THCS và THPT Ngô Thời Nhiệm (tại phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một) ngày càng mở rộng quy mô, đây là minh chứng hiệu quả trong công tác xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục ở Bình Dương
Trình bày ý kiến, đại diện Công ty CP Giáo dục Faraday (Trường Mầm non Sáng tạo Fa-Ra-Đây), chia sẻ công ty có nhu cầu mở rộng cơ sở và phát triển loại hình trường liên cấp (Tiểu học, THCS và THPT). Công ty đã liên hệ với các chủ đất tại TP.Tân Uyên và TP.Thủ Dầu Một để tiến hành các thủ tục pháp lý. “Trong trường hợp chủ đất không thay đổi mục đích sử dụng từ đất ở sang đất giáo dục thì công ty chúng tôi có thể thuê đất để xây dựng trường học được không? Nếu không được sử dụng đất ở để mở trường, chủ đất có thể chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất thương mại - dịch vụ để xây dựng trường học?”, đại diện công ty đặt câu hỏi.
Tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, cảm ơn các nhà đầu tư đã quan tâm đến Bình Dương và khẳng định Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 dành rất nhiều quỹ đất cho lĩnh vực y tế, giáo dục và các công trình cộng đồng, phục vụ đời sống người dân . Ông tin tưởng rằng với sự chung tay, góp sức của các nhà đầu tư, trên tinh thần lấy con người là trung tâm, hệ sinh thái giáo dục, y tế của tỉnh sẽ phát triển vững mạnh, trở thành trung tâm phát triển y tế, giáo dục của cả vùng và cạnh tranh với khu vực. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ông yêu cầu các sở, ngành địa phương không được để xảy ra tiêu cực, nhũng nhiễu doanh nghiệp; đồng thời đề nghị mỗi cán bộ, nhân viên cần tận tâm tận lực, tận tình hướng dẫn, khai thông điểm nghẽn và đồng hành cùng các nhà đầu tư để tạo sức mạnh tổng hợp nội sinh đưa Bình Dương phát triển hơn nữa. |
Có cơ chế cho y tế tư nhân phát triển
Cùng với giáo dục, tại hội nghị, các nhà đầu tư lĩnh vực y tế cũng trình bày nhiều khó khăn, vướng mắc và đề nghị gỡ khó, như: Hỗ trợ quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất dành cho y tế; mở rộng các quy định liên quan đến bảo hiểm y tế, giúp y tế tư nhân tiếp cận các ưu đãi về cơ chế, chính sách liên doanh, liên kết, hợp tác công tư và hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn…
Bệnh viện Hoàn Mỹ Bình Dương (phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một) đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ người bệnh
Đặc biệt các nhà đầu tư đề xuất tỉnh nên có quỹ đất công thuận lợi để y tế tư nhân phát triển; hỗ trợ áp thầu thêm một số thuốc bảo hiểm y tế theo Bệnh viện tỉnh và tương ứng với những trang thiết bị y tế đã được duyệt đầu tư và một số kháng sinh thế hệ mới trong điều trị…
Về thu hút nguồn nhân lực bác sĩ có chuyên môn, tay nghề cao, đại diện Bệnh viện Đa khoa Phương Chi nêu kiến nghị tỉnh và Sở Y tế nên có chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho khối tư nhân vì tất cả nhân lực này đều hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người dân trong tỉnh, góp phần cùng Nhà nước chăm lo đời sống cho người dân nhưng khối y tế tư nhân được hỗ trợ rất ít kinh phí, ngược lại họ phải nộp thuế…
Tại hội nghị có hơn 15 lượt ý kiến của các nhà đầu tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đã được các sở, ngành chức năng trả lời cụ thể. Cùng với việc tháo gỡ khó khăn, lãnh đạo các địa phương cũng bày tỏ mong muốn các nhà đầu tư dành nguồn lực đầu tư cho các huyện vì hiện nay nhiều cơ sở y tế tư nhân chủ yếu tập trung tại các thành phố của tỉnh.
KIM HÀ