Ngày 9-8, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị Giáo dục Đại học năm 2024, với sự tham gia của lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm; lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ.
Hội nghị nhằm nhìn nhận, đánh giá kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm; trên cơ sở đó, thống nhất đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho năm học 2024-2025.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ những thách thức với giáo dục đại học.
Tự chủ đại học đi vào chiều sâu và thực chất
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết: Năm học 2023 - 2024, các cơ sở đào tạo đã từng bước đổi mới tư duy, nhận thức, nâng cao năng lực quản trị đại học, tháo gỡ các điểm nghẽn, khai thông các nguồn lực, đẩy mạnh triển khai tự chủ đại học đi vào chiều sâu và thực chất, gắn với mục tiêu nâng cao chất lượng, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của các cơ sở đào tạo, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học.
Các cơ sở đào tạo cũng triển khai toàn diện nhiều giải pháp bảo đảm chất lượng trong tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học; gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nhiều giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; tăng cường hợp tác, khai thác các nguồn lực từ bên ngoài cho giáo dục đại học đã được triển khai.
Cùng đó, các trường đã chủ động tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong toàn bộ hoạt động giáo dục đại học, từ hệ thống quản lý, tuyển sinh, đào tạo, đổi mới phương pháp dạy - học, lấy tiến bộ của người học làm thước đo cho chất lượng, hiệu quả giảng dạy.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ năm học vừa qua.
Việc thực hiện tự chủ đại học ở một số cơ sở đào tạo còn chậm, lúng túng, nhất là vấn đề thành lập, kiện toàn hội đồng trường, quan hệ phối hợp giữa hội đồng trường với ban giám hiệu tại một số đơn vị.
Việc triển khai thực hiện một số văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Giáo dục và Đào tạo còn lúng túng, đặc biệt là việc triển khai Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Nhiều địa phương chưa nhận thức đúng quyền và trách nhiệm trong việc triển khai nhiệm vụ này.
Việc kiểm định chất lượng, thực hiện theo chuẩn chương trình đào tạo triển khai còn chậm. Hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo còn hạn chế. Việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tuy đã tích cực triển khai nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Công tác thanh, kiểm tra, giám sát chưa phát huy hết theo chức năng, nhiệm vụ được giao...
Phân tích nguyên nhân, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy cho biết: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn những quy định chưa theo kịp với quá trình vận hành của các đơn vị được giao tự chủ dẫn đến khó khăn khi triển khai. Ngân sách chi thường xuyên hàng năm tiếp tục cắt giảm, trong khi mức thu học phí vẫn chưa thể thực hiện lộ trình tính đủ chi phí đào tạo do áp lực cạnh tranh trong tuyển sinh; đồng thời, tăng học phí sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Các cơ sở đào tạo thực hiện tự chủ nhưng chưa thực sự gắn với việc tự chịu trách nhiệm giải trình xã hội về chất lượng đào tạo, chuẩn đầu ra. Một số trường chưa đủ năng lực, thiếu sự sẵn sàng nên lúng túng trong thực hiện, không dám đổi mới...
Mặc dù còn nhiều thách thức nhưng giáo dục đại học cũng ghi nhận sự gia tăng về đội ngũ giảng viên cả số lượng và chất lượng. Số chương trình đào tạo được công nhận kiểm định tăng mạnh, nhất là kiểm định nước ngoài. Các cơ sở đã đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong dạy và học; tổ chức dạy và học trực tuyến, duy trì chất lượng đào tạo trong điều kiện khó khăn chung. Cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục duy trì và giữ vị trí tốt trong các bảng xếp hạng uy tín quốc tế, với 13 cơ sở trong bảng xếp hạng THE Impact Rankings 2024 (tăng thêm 4 trường); 6 cơ sở đào tạo trong bảng xếp hạng QS WUR 2025 (tăng thêm 1); 8 cơ sở trong bảng xếp hạng QS Sustainability Rankings 2024 (tăng thêm 5); duy trì 11 cơ sở giáo dục đại học trong bảng xếp hạng các trường đại học châu Á QS Asia University Rankings 2023.
Hướng đến chất lượng cao hơn
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh đến yếu tố “chất lượng” trong đào tạo; tăng cường tự chủ cũng vì chất lượng và đổi mới cũng vì chất lượng.
Theo Bộ trưởng, có rất nhiều thách thức lớn đang đặt ra với giáo dục đại học. Đầu tiên là thách thức về sự canh tranh trên phạm vi toàn cầu đối với hệ thống giáo dục đại học; cạnh tranh trong thu hút giảng viên, thu hút người học, cạnh tranh xếp hạng, thu hút đầu tư và cả ảnh hưởng xã hội. Cùng đó là thách thức của sự kỳ vọng lớn, sự giao phó, trông đợi của Đảng, Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp, xã hội đặt ra với giáo dục đại học ngày càng lớn. Qua các bài học của những quốc gia phát triển, ở những thời điểm quan trọng cần bứt phá về kinh tế, sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực là yếu tố mang tính quyết định. Chính các trường đại học có nhiệm vụ giải bài toán này, phải đáp ứng yêu cầu cho sự bứt phá của đất nước.
Để đẩy mạnh tự chủ, Bộ trưởng yêu cầu các cơ sở đào tạo tiếp tục hoàn thiện văn bản quy định nội bộ, quy chế nội bộ, đảm bảo không mâu thuẫn với các quy định Nhà nước đã ban hành. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường thanh, kiểm tra việc ban hành quy chế nội bộ, hoạt động của các hội đồng trường phối hợp với các bộ phận có phù hợp không… Các trường cũng lưu ý xây dựng, hoàn thiện các đề án tự chủ theo quy định mới để trình các Bộ chủ quản phê duyệt; tăng cường một số nội dung chủ yếu về vấn đề bộ máy và các yếu tố khác liên quan.
Đối với công tác tuyển sinh, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025 sẽ có nhiều đổi mới. Các trường đại học cần có trách nhiệm hơn với giáo dục phổ thông. Việc xét tuyển sớm có tác động tiêu cực với giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối cùng của cấp học này, nên thời gian tới cần xem xét. Các thí sinh xét trúng tuyển sớm sẽ không học nữa; số còn lại tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông sẽ rất ít, dẫn đến điểm chuẩn xét tuyển rất cao, tạo ra sự bất công bằng cho thí sinh trong cơ hội được vào các trường đại học tốp đầu. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cân nhắc để đưa vào định hướng tuyển sinh của năm sau.
Bộ trưởng nhắc nhở các cơ sở đào tạo không nên có quá nhiều phương án xét tuyển, càng đơn giản càng tốt, thuận tiện cho học sinh, cho xã hội. Các trường đại học có quyền tự chủ trong vấn đề tuyển sinh nhưng không có nghĩa “thích làm gì thì làm”; tự chủ trong khuôn khổ các quy định. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét để gia tăng một số chế tài nhằm điều tiết tuyển sinh từ năm sau.
Liên quan đến việc quy hoạch mạng lưới các trường đại học, trường sư phạm sẽ được tiến hành thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, sẽ có nhiều biến động trong sắp xếp hệ thống các trường. Các cơ sở đào tạo cần đón nhận điều này với tinh thần đổi mới và tinh thần trách nhiệm đối với ngành, với xã hội. Bộ trưởng mong muốn, ngành Giáo dục nỗ lực vượt qua thách thức để đạt tới mục tiêu chất lượng.
Theo TTXVN