Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định như vậy tại Hội nghị tham vấn đối tác phát triển về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội. Cùng tham dự có các Bộ trưởng: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Hội nghị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.
Lạm phát khiến giá cả các mặt hàng tăng cao sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Ảnh: Thanh Hồng
“Nới lỏng thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ có thể sẽ gây bất ổn kinh tế vĩ mô trầm trọng hơn và có thể dẫn đến khủng hoảng kép về cán cân thương mại và ngân hàng” - đây là một trong nhiều khuyến nghị của các tổ chức, định chế tài chính quốc tế đối với Chính phủ tại hội nghị. Các tổ chức và định chế tài chính quốc tế cùng các vị đại sứ, công sứ một số quốc gia đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam đối phó hiệu quả với khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu trong những năm gần đây, đặc biệt là các chính sách tích cực kiềm chế lạm phát trong Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Ngân hàng Thế giới (WB) phân tích 4 tác nhân gây bất ổn kinh tế vĩ mô của Việt Nam, đó là đầu tư và doanh nghiệp Nhà nước kém hiệu quả, ngành ngân hàng dễ bị tổn thương và tính minh bạch quản lý kinh tế còn hạn chế. Giám đốc WB tại Việt Nam - bà Kwa Kwa nhấn mạnh: Nghị quyết 11 làm tăng tín nhiệm cho Chính phủ, tuy nhiên, bất kỳ một bước đi vội vã thể hiện sự thay đổi nào bây giờ cũng sẽ làm giảm uy tín của Chính phủ. Nới lỏng thực hiện Nghị quyết 11 có thể tạm thời giảm căng thẳng cho các doanh nghiệp Nhà nước đầu tư quá mức nhưng có thể sẽ gây bất ổn kinh tế vĩ mô trầm trọng hơn và có thể dẫn đến khủng hoảng kép về cán cân thương mại và ngân hàng...
Nhiều ý kiến cũng thẳng thắn phân tích các thách thức đối với kinh tế vĩ mô của Việt Nam và đưa ra những giải pháp khắc phục những hạn chế, nhất là hiệu quả đầu tư công thấp, vay nợ quá nhiều trong hệ thống ngân hàng, nợ công gia tăng, bất cập trong thể chế, nổi rõ là Luật Đấu thầu với các luật khác, doanh nghiệp Nhà nước nợ trên vốn cao trong khi hoạt động kém hiệu quả... Các tổ chức, định chế tài chính quốc tế cũng như đại diện các quốc gia tham dự hội nghị đều khẳng định quyết tâm tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong cải cách nền kinh tế, hoàn thiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao, trân trọng ghi nhận những ý kiến đóng góp thẳng thắn, xây dựng và toàn diện về kinh tế vĩ mô của Việt Nam để Chính phủ cân nhắc trong xây dựng và điều hành chính sách. Thủ tướng đồng tình với đánh giá của các chuyên gia kinh tế, các tổ chức, định chế tài chính quốc tế về những kết quả tích cực trong điều hành kinh tế ở Việt Nam mới chỉ là bước đầu, còn mong manh chưa vững chắc, kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn bất ổn, nhất là tính thanh khoản của nền kinh tế, hiệu quả hoạt động của ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước...
Thủ tướng nhấn mạnh, ổn định kinh tế vĩ mô không chỉ cần các giải pháp trước mắt mà còn cần phải có giải pháp căn cơ và lâu dài như tái cơ cấu nền kinh tế; cải cách doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng; cải thiện nợ công; tái cơ cấu đầu tư hiệu quả và minh bạch hơn; đẩy mạnh xuất khẩu gắn với kiểm soát nhập siêu phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như có các chính sách điều hành tài khóa, tiền tệ hiệu quả, đồng thời quan tâm đến người nghèo, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện kiên quyết, hiệu quả hơn Nghị quyết 11, đó là tập trung ưu tiên hàng đầu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Chính phủ không dao động mục tiêu kiềm chế lạm phát để chạy theo tăng trưởng kinh tế. Thủ tướng cũng đã thông báo một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra trong năm nay và năm 2012, trong đó nhấn mạnh đến ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát khoảng 18% trong năm 2011 và phấn đấu giảm xuống 1 con số trong năm tới; kéo giảm lãi suất gắn liền với giảm lạm phát và dứt khoát tăng trưởng tín dụng không vượt quá 20% trong năm nay...
Nghiêm túc nhìn nhận khó khăn, thách thức và những hạn chế nội tại của nền kinh tế cũng như trong điều hành kinh tế vĩ mô, Thủ tướng nhấn mạnh: Việt Nam quyết tâm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân để vượt qua khó khăn và thách thức nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội, từng bước đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của các đối tác phát triển cả về tư vấn chính sách, kỹ thuật và nguồn lực trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
K.T (tổng hợp)