Ngày 11-2, kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ) với trọng tâm bàn về cuộc khủng hoảng nợ công đang có nguy cơ xảy ra ở châu Âu, các nhà lãnh đạo EU đã đạt được thỏa thuận giải cứu Hy Lạp, nước đang phải đối mặt với mức thâm hụt ngân sách khổng lồ lên tới 12,7% GDP, vượt xa so với giới hạn 3% của các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Người Hy Lạp biểu tình phản đối cắt giảm lương và trợ cấp để giảm nợ công chính phủ.
Tuy nhiên, thỏa thuận này đã không đáp ứng mong mỏi của người dân khu vực EU vì không có một khoản tài chính nào được đưa ra nhằm trợ giúp Hy Lạp, khi mà nước này đang cần khoảng 53 tỷ eur (73 tỷ USD) đến cuối năm 2010 để lấp lỗ hổng ngân sách và thanh toán các khoản nợ. Thỏa thuận chỉ là sự cam kết của các nước giám sát từng bước “tự cứu mình” của Hy Lạp. Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch EU Herman Van Rompuy đã không đưa ra một gói trợ giúp tài chính nào và còn khẳng định “Hy Lạp đã không yêu cầu bất cứ gì”. Còn Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet tuyên bố, ông sẽ tham gia vào quá trình giám sát các chính sách cắt giảm ngân sách của Hy Lạp và sẽ đề xuất kế hoạch khác nếu cần thiết.
Thỏa thuận mơ hồ làm dấy lên mối nghi ngờ về sức mạnh của khu vực đồng tiền chung châu Âu. Dù quy mô kinh tế Hy Lạp nhỏ, nhưng vấn đề thâm hụt ngân sách của nước này đang khiến người ta mất niềm tin vào đồng EUR – đồng tiền chung của 16 nước thuộc Liên minh châu Âu. Đồng EUR lập tức mất giá so với USD, 1 EUR đổi được 1,3614 USD, mặc dù trước khi phiên họp diễn ra, nó đã lấy được đà phục hồi 1 EUR ăn 1,38 USD.
Trước đó, theo một số nguồn tin, EU đã xem xét nhiều phương án, trong đó có khả năng các quốc gia giàu có sẽ cho Hy Lạp vay, EU giải ngân trước thời hạn cho Hy Lạp các khoản viện trợ để phát triển vùng nghèo, các nước khu vực đồng eur kết hợp với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để đề xuất một kế hoạch giải cứu chung... Tuy nhiên, các quy định hiện nay của EU lại cấm các nước thành viên khu vực đồng eur gánh đỡ nợ cho nước khác.
Giới phân tích cảnh báo, Hy Lạp có thể sẽ mở màn cho những cú sốc khác về nợ tại một số quốc gia nữa trong khu vực như Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. EU thực sự đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng được xem là nghiêm trọng nhất ở khu vực đồng EUR.
Theo SGGP