(BDO) Chiều 5-6, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã dự và chỉ đạo Hội nghị thúc đẩy nâng cao chất lượng cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Tại điểm cầu Bình Dương, ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông và lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự hội nghị (ảnh).
Hội nghị đã giới thiệu về bộ tiêu chí đánh giá Cổng dịch vụ công, kết quả đánh giá Cổng dịch vụ công các bộ, ngành, địa phương; đồng thời bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy nâng cao chất lượng cung cấp và sử dụng DVCTT. Với sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, thời gian qua, việc cung cấp DVCTT mức độ cao đã được đẩy mạnh. Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các dịch vụ công đủ điều kiện đã được cung cấp trực tuyến mức độ 4. Một số cơ quan Nhà nước đã có những giải pháp để tăng cường hiệu quả cung cấp và sử dụng DVCTT, tiêu biểu như ưu tiên về thời gian giải quyết thủ tục; ưu tiên về lệ phí thực hiện. Tuy nhiên, tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ trực tuyến trung bình của cả nước; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trung bình của cả nước vẫn còn thấp.
Tổng số dịch vụ công của cả nước là 122.853 dịch vụ, gồm 4.678 dịch vụ công khối bộ và 118.175 dịch vụ công khối tỉnh. Để nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng DVCTT, kế hoạch hành động năm 2023, các bộ ngành, địa phương tập trung vào 20 nhiệm vụ cơ bản. Cụ thể, rà soát, lựa chọn và triển khai thủ tục hành chính đủ điều kiện DVCTT theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP tối thiểu 80% thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng DVCTT; 80% DVCTT được cung cấp dưới dạng DVCTT toàn trình. Ban hành văn bản giao chỉ tiêu tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tới người đứng đầu từng sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn. Ban hành chính sách giảm phí, lệ phí để khuyến khích người dân sử dụng DVCTT. Ban hành chính sách giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến để khuyến khích người dân sử dụng DVCTT…
HỒ VĂN