(BDO) Ngày 6-7, Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến “Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) tuyến cơ sở”.
Tại hội nghị, các Vụ, Cục liên quan trình báo cáo về: Xây dựng và thực hiện chính sách BHYT cho KCB tại tuyến y tế cơ sở (YTCS); nâng cao chất lượng KCB tại trạm y tế xã. Các đại biểu, địa phương cũng đã tập trung thảo luận về giải pháp nâng cao chất lượng KCB BHYT tuyến YTCS và kết quả thực hiện BHYT tại một số địa phương… YTCS là nền tảng của hệ thống y tế; giảm gánh nặng chăm sóc sức khỏe trong hệ thống y tế; đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe thông thường của nhân dân… Hiện cả nước có hơn 12.000 trạm y tế. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế cũng như Bảo hiểm xã hội Việt Nam, do một số khó khăn mà hệ thống YTCS đang gặp phải, nên người dân hiện vẫn còn chưa tin tưởng khi đến KCB tại đây; nên họ thường vượt lên tuyến trên, gây quá tải bệnh viện tuyến trên, tăng chi phí cho người dân, quỹ bảo hiểm. Khảo sát thực tế cho thấy, các trạm y tế tuyến xã chủ yếu kê đơn bốc thuốc chứ ít có người bệnh đến nằm điều trị. Ngoài những khó khăn chung của hệ thống YTCS hiện nay, nhất là y tế tuyến xã do điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và phạm vi chuyên môn, việc thực hiện KCB BHYT tại TYT xã còn một số khó khăn, thách thức từ quy định của chính sách BHYT ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ y tế và quyền lợi của người bệnh.
Để đạt mục tiêu nâng cao chất lượng KCB tại tuyến YTCS, cần có sự phối hợp chỉ đạo của lãnh đạo UBND các cấp, sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Y tế, sự triển khai thực hiện của các Trung tâm Y tế và bệnh viện huyện, sự chủ động, sáng tạo của các trạm y tế xã, sự trợ giúp về chuyên môn của một số bệnh viện Trung ương và sự hỗ trợ kỹ thuật, tài chính của các đối tác phát triển. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, cần chi nhiều hơn cho YTCS, phân công bác sĩ từ trạm y tế xã lên tuyến huyện học chuyên môn và cử bác sĩ từ tuyến trên xuống trạm một thời gian để người dân tin tưởng vào chất lượng của y tế tuyến dưới; đồng thời đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế nhằm “kéo” bệnh nhân về trạm y tế xã, tăng chi trả cho người bệnh, tăng chất lượng để giảm tải cho tuyến trên.
HỒNG THUẬN