(BDO) Sáng 15-9, Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến phản biện xã hội đối với Dự án Luật đất đai (sửa đổi).
Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường; ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì hội nghị.
Tại điểm cầu tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Văn Lộc, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì hội nghị.
Các đại biểu tham gia hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bình Dương
Nhằm thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị quyết số 17 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, Nghị quyết số 50 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Chính phủ đã triển khai việc tổng kết thi hành Luật đất đai, thể chế hóa Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao và hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật đất đai (sửa đổi).
Tại hội nghị, các đại biểu được thông tin vắn tắt một số chính sách pháp luật được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong dự thảo; nghe báo cáo tóm tắt các ý kiến gửi đến hội nghị phản biện xã hội và định hướng các nội dung phản biện.
Các đại biểu tham dự đã gửi 16 tham luận và thảo luận trực tiếp liên quan đến các vấn đề về đất nông nghiệp, quá trình chuyển đổi quyền sử dụng đất, thu hồi đất và chế độ đền bù cho người bị thu hồi cần có định giá mới để người dân không bị thiệt thòi so với giá thị trường, bồi thường hỗ trợ tái định cư và giá đất…
Thay mặt Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Đỗ Văn Chiến đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn tập trung nghiên cứu, đề xuất thêm các nội dung xuất phát từ thực tiễn xã hội mà Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa đề cập hoặc hiệu quả áp dụng thấp để từ đó tiếp tục góp ý, phản biện xã hội.
Tin, ảnh: Quỳnh Như