Đó là nhận định của ông Nguyễn Thanh Nghĩa, thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh về việc Bộ Thương mại Indonesia chuyển hướng đột ngột từ nâng cấp hàng rào phòng vệ thương mại sang kiện chống bán phá giá các mặt hàng thép lá mạ, tôn mạ hợp kim nhôm kẽm nhập khẩu từ Việt Nam, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp (DN) Bình Dương.
DN thép Việt Nam cần đoàn kết hơn nữa để cùng phát triển. Trong ảnh: Sản xuất thép tại Công ty Đại Thiên Lộc Ảnh: K.V
Một sự việc gây bất ngờ
Vụ việc đã gây bất ngờ và bức xúc đối với các DN sản xuất, xuất khẩu thép Việt Nam. Các DN sản xuất thép đã đồng loạt kiến nghị lên Hiệp hội Thép Việt Nam, Bộ Công thương và Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, việc làm của hàng ngàn người lao động đang làm việc tại các DN này.
DN thép Việt Nam hiện sản xuất được nhiều mặt hàng từ thép lá mạ, tôn mạ hợp kim đến ống thép, sắt xây dựng… xuất khẩu sang rất nhiều nước trên thế giới, kể cả các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ… Trong đó, Indonesia là thị trường lớn và tiềm năng, từ nhiều năm qua hầu hết các DN Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm sang đây với sản lượng lên đến 400.000 tấn/tháng.
Để bảo vệ nền sản xuất, bảo vệ đời sống người lao động, DN cần sự quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi của Nhà nước để tháo gỡ khó khăn, giúp DN ổn định và phát triển. Bởi lẽ, sau Indonesia là Malaysia và Thái Lan cũng có thể có những động thái chuẩn bị kiện chống bán phá giá đối với mặt hàng thép Việt Nam tương tự. |
Với sản lượng lớn như vậy, nhưng việc nhập khẩu sản phẩm vào thị trường nước này là vấn đề không dễ, vì Indonesia có chính sách phòng vệ thương mại rất tốt với hệ thống hàng rào kỹ thuật rất chặt chẽ. Chẳng hạn, DN nước ngoài muốn nhập khẩu hàng hóa vào thị trường Indonesia đều phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe như: Phải là hàng hóa được Chính phủ cho phép nhập khẩu; Phải có chứng nhận về Quản lý chất lượng SNI do cơ quan chức năng của bạn cấp và thẩm định chất lượng; cuối cùng thì phải có chứng nhận của Chính phủ thì hàng hóa mới được nhập.
Dù là thị trường rất lớn của DN thép nội nhưng trước đó bằng chính sách phòng vệ thương mại, Indonesia vừa nâng thuế nhập khẩu lên 435 USD/tấn vừa áp đặt với tất cả các mặt hàng có khổ rộng trên 600mm xuất xứ từ Việt Nam. Để né quy định này DN đã lách bằng cách xả băng cuộn thép để bảo đảm nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, cuối cùng Indonesia vẫn kiện DN thép Việt Nam để chống bán phá giá.
Cần đoàn kết hơn nữa
Lý do mà Indonesia nêu ra rất bình thường là sản lượng nhập khẩu lớn làm ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, ảnh hưởng đến việc làm của người lao động sở tại… Nhưng thực tế thì không phải vậy, vì như đã đề cập thì sản lượng thép nhập khẩu từ Việt Nam tuy lớn nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường nước này và Indonesia không phải là nước có nền sản xuất chủ yếu là thép. Hiện mức thuế mà nước này áp cho Posco là 12,5%, các DN còn lại phải chịu thuế 25,5%.
Dù phía Indonesia kiện chống bán phá giá đối với thép Việt Nam là vô lý, nhưng trước mắt, sự việc này ảnh hưởng không nhỏ đến các DN sản xuất trong nước. Mất thị trường, ảnh hưởng đến sản xuất là tác động dây chuyền không thể tránh khỏi, nhưng quan trọng nhất vẫn là đời sống, việc làm của hàng ngàn người lao động đang làm việc tại các DN thép trên cả nước…
Hiện nay, cộng đồng ASEAN đang tiến tới thị trường chung, chính vì vậy, việc Indonesia áp thuế chống bán phá giá với lý do không rõ ràng là hành vi “ngăn sông cấm chợ” đi ngược lại tuyên bố chung. Chính từ sự bất hợp lý này mà các DN thép Việt Nam đã đoàn kết lại cùng đề nghị Hiệp hội Thép Việt Nam kiến nghị Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ sớm có quyết định kịp thời.
Hiện nay, càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, DN cần phải biết đoàn kết để bảo vệ nhau. Sự việc này đã chứng minh cho điều đó, DN sản xuất thép Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục đoàn kết, gắn bó trong thời gian tới.
Bình Dương là tỉnh có môi trường đầu tư rất tốt, tập trung rất nhiều các DN thép quy mô cả nước như Hoa Sen, Sunsteel, Đại Thiên Lộc, Tôn Đông Á, Nam Kim… Chính vì thế, rất cần một tiếng nói chung mạnh mẽ để cùng nhau vượt qua khó khăn.
DUY CHÍ