Hội Nông dân huyện Bắc Tân Uyên: Đa dạng cách làm giúp hội viên phát triển các mô hình kinh tế

Cập nhật: 02-10-2018 | 06:04:25

Thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), Hội Nông dân (ND) huyện Bắc Tân Uyên đã có những việc làm thiết thực, xây dựng nhiều mô hình mới, mang lại hiệu quả cao, giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng trên quê hương.

 Hỗ trợ kỹ thuật, giúp đỡ vốn

Ông Lê Hiếu Liêm, Chủ tịch Hội ND huyện Bắc Tân Uyên, cho biết cùng với việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, thời gian qua Hội ND huyện đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để giúp hội viên ND phát triển kinh tế thông qua việc giúp đỡ về vốn, hỗ trợ khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm trong sản xuất. Đây chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà hội đã chú trọng thực hiện trong thời gian qua. Hàng năm, ngoài việc phát động phong trào thi đua nông dân SXKDG, Hội ND huyện đã phối hợp giải ngân cho nhiều hộ ND vay vốn từ các nguồn vốn. Trong năm 2018, hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tạo điều kiện cho nhiều hội viên vay vốn; các cơ sở hội đã thành lập 31 tổ tiết kiệm với 2.063 hộ vay vốn. Bên cạnh đó, hội còn tiến hành hỗ trợ cho các hội viên từ nhiều nguồn vốn khác như: Quỹ hỗ trợ ND cấp tỉnh (2,8 tỷ đồng) cho 70 hộ vay thực hiện 8 dự án sản xuất trên địa bàn huyện; Quỹ hỗ trợ ND cấp cơ sở đã giúp cho 22 hộ vay với tổng số tiền hơn 218 triệu đồng để thực hiện các dự án trồng trọt trên địa bàn 3 xã Lạc An, Tân Mỹ, Đất Cuốc… Bên cạnh đó, những hội viên khá cũng hỗ trợ cho các hội viên khó bằng cách giúp đỡ vốn không lấy lãi, giúp đỡ cây con giống…

Được sự hỗ trợ từ Hội Nông dân huyện Bắc Tân Uyên, anh Hồ Văn Thành đã thành công với mô hình chăn nuôi heo, gà. Ảnh: H.P

Ngoài ra, Hội ND huyện còn phối hợp với Trung tâm Dạy nghề, Trung tâm Khuyến nông và Trạm bảo vệ thực vật của huyện cùng các công ty trên địa bàn tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh… thu hút đông đảo cán bộ, hội viên tham gia. Hội còn kết hợp lồng ghép chuyển giao khoa học kỹ thuật tại các buổi sinh hoạt chi hội để các hội viên chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Qua đó, đã tạo được sự chuyển biến tích cực, nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo của các hội viên và bà con nông dân. “Từ các nguồn vốn trên cùng với công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, tương thân tương ái, hỗ trợ giúp đỡ nhau của hội viên ND đã góp phần giải quyết những khó khăn trong sản xuất, giúp ND vươn lên cải thiện cuộc sống, ổn định kinh tế gia đình”, ông Liêm cho biết thêm.

Những mô hình hiệu quả

Các hội viên ND tại Bắc Tân Uyên sau khi được hỗ trợ về vốn và kỹ thuật đã mạnh dạn áp dụng, đầu tư thực hiện và phát triển nhiều mô hình mới mang lại hiệu quả cao. Chúng tôi được dẫn tới tham quan mô hình chăn nuôi heo, gà của hội viên Hồ Văn Thành ở thị trấn Tân Thành, một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Thành cho biết, năm 2000, gia đình anh bắt đầu chăn nuôi heo nhưng do chưa có kinh nghiệm nên bị thất bại nhiều lần. Sau khi được Hội ND xã cử đi tham dự các lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình ở các địa phương, cộng với sự hỗ trợ về vốn từ NHCSXH nên anh đã mạnh dạn đầu tư và mở rộng quy mô chăn nuôi; sau đó mở rộng sang chăn nuôi gà. Hiện nay, gia đình anh có hơn 100 con heo nái và heo thịt; hàng ngàn con gà. Cá nhân anh Thành nhiều năm liền đạt danh hiệu NDSXKDG cấp huyện.

Gia đình bà Đỗ Thị Kim Hoàng ở ấp 4, xã Lạc An cũng được Hội ND huyện hỗ trợ về vốn, kỹ thuật và đã thành công với mô hình trồng cây ăn quả. Năm 2002, gia đình bà Hoàng về Lạc An và tiến hành trồng bưởi và cam. Được sự hỗ trợ của Hội ND, đến nay gia đình bà đã mở rộng diện tích trồng cam, bưởi lên 4 ha, một năm cho thu hoạch 3 vụ với thu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng. Bà Hoàng tâm sự: “Để có được thành công như ngày hôm nay, tôi đã được Hội ND và chính quyền địa phương hỗ trợ về mọi mặt, từ vốn cho đến kỹ thuật trong chăn nuôi, giúp tôi vượt qua được giai đoạn khó khăn và vươn lên trong phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng”.

Tại huyện Bắc Tân Uyên còn nhiều mô hình kinh tế của các hội viên ND mang lại hiệu quả cao, như mô hình trồng bưởi da xanh theo hướng VietGAP của ông Đoàn Minh Chiến tại xã Tân Định; mô hình chăn nuôi của ông Nguyễn Thanh Tuấn tại xã Tân Lập; mô hình tổng hợp của gia đình bà Đoàn Thúy Hằng…

 

 HỒNG PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên