Hội nông dân huyện Dầu Tiếng: Ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất đạt hiệu quả cao

Cập nhật: 30-08-2011 | 00:00:00

Dự án “Xây dựng mô hình điểm thông tin khoa học và công nghệ (KHCN) cấp xã, phục vụ phổ biến tri thức khoa học, chuyển giao công nghệ tại huyện Dầu Tiếng tỉnh Bình Dương” đã được Hội Nông dân huyện Dầu Tiếng ứng dụng một cách hiệu quả, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện.

Ứng dụng tiến bộ khoa học hiện đại

 Cánh đồng trồng giống lúa OM5472 tại ấp Cần Giằng, xã Thanh An - Một trong những mô hình canh tác mới được giới thiệu trên trang thông tin điện tử của Hội Nông dân huyện

Từ năm 2010 đến nay, Hội Nông dân huyện Dầu Tiếng được Sở KHCN trang bị máy móc thiết bị và công nghệ, đưa website vào hoạt động phục vụ trong sản xuất theo đề án của Nhà nước. Mục đích chính của dự án này là góp phần làm cho kinh tế ở những vùng nông thôn Dầu Tiếng phát triển thông qua việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào trong đời sống; đặc biệt là cho bà con nông dân ở vùng sâu và vùng xa được tiếp cận các thông tin về KHKT, giá cả thị trường và cả những nơi tiêu thụ sản phẩm của chính họ. Mặt khác việc thực hiện dự án này còn nhằm hướng tới mục tiêu giảm đói nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Cụ thể là trang bị máy vi tính có kết nối với internet, máy in, đĩa VCD chứa thông tin KHCN, cơ sở phim KHCN; cung cấp các website hữu ích cho bà con nông dân và một số thiết bị đồng bộ khác cho mỗi điểm để nông dân khai thác được thông tin phục vụ phát triển kinh tế.Ông Trần Tấn Thi - Trưởng phòng Ứng dụng KHCN thuộc Sở KHCN cho biết, để có thể sử dụng được những trang thông tin trên website, các hội viên nông dân được cử đi học những lớp tập huấn về truy cập, khai thác các website liên quan đến đời sống của bà con hội viên nông dân từ mạng internet như giá cả hàng hóa, thị trường tiêu thụ, các mô hình hướng dẫn trồng trọt chăn nuôi, chăm sóc, phòng và trị bệnh cho vật nuôi và cây trồng, cách tải thông tin từ mạng internet để lưu trữ hoặc in ra giấy, diệt vi rút... Ngoài ra, bà con còn có thể khai thác phim KH-CN từ bộ cơ sở dữ liệu phim KHCN thông qua phần mềm tra cứu, cách thức sao chép phim từ cơ sở dữ liệu phim KHCN được tích hợp trong máy tính sang đĩa CD. Những hội viên nông dân này sẽ là nhân tố tuyên truyền, giúp đỡ cho các hội viên nông dân khác chưa được tập huấn có thể khai thác được thông tin và trở thành lực lượng nòng cốt cho chương trình phát triển kinh tế tại địa phương.

Hiệu quả thiết thực

Nhờ vào những trang thông tin trên website mà hội viên nông dân đã được tiếp cận nhanh chóng những tiến bộ của KHKT để ứng dụng vào trong sản xuất, mang lại những hiệu quả kinh tế cao. Có thể thấy từ mô hình canh tác giống lúa mới OM 5472 của 2 xã Thanh Tuyền và Thanh An được huyện triển khai theo chương trình “3 tăng 3 giảm” cho năng suất chất lượng cao bình quân đạt từ 5 - 6 tấn/ha là một ví dụ điển hình. Thông qua việc ứng dụng CNTT nhiều bà con nông dân ở các xã lân cận như xã An Lập, Định An... đã được cung cấp và trao đổi thông tin về mô hình này và qua đó áp dụng vào trong sản xuất. Ông Vũ Tiến Nhật, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Dầu Tiếng cho biết: “Từ khi 12 xã và 1 thị trấn của huyện được đầu tư trang thiết bị và công nghệ, có trang thông tin riêng cho xã mình, bà con nông dân rất vui mừng. Qua trang thông tin này, nhiều mô hình sản xuất mới đã được áp dụng tại nhiều địa bàn. Qua đó, xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như nuôi nhím, trồng hoa lan, trồng nấm...

Bên cạnh các trang thông tin liên quan đến công việc hàng ngày thì hội viên cũng như người dân sẽ tìm kiếm được các thông tin về sức khỏe, giáo dục, kinh tế, chính trị, xã hội trong tỉnh, ngoài tỉnh và cả thế giới. Chị Trần Thị Gái - Chủ nhiệm Hợp tác xã  Bánh tráng Danh Lễ, xã Thanh An cho biết: “Trước đây tôi làm bánh tráng theo mô hình cơ sở nhỏ lẻ với phương thức sản xuất cổ truyền nên năng suất không cao. Nhờ sự giúp đỡ, quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo chính quyền và cũng qua việc tìm hiểu trên các website, tôi đã mạnh dạn đầu tư mua máy móc hiện đại, sản xuất bánh tráng theo dây chuyền công nghệ kỹ thuật mới. Nhờ đó, bình quân một ngày Hợp tác xã Danh Lễ đã sản xuất được 45 thiên bánh tráng, giải quyết việc làm cho hơn chục công nhân với mức lương trên 3 triệu đồng/tháng”. Chị Gái cho biết thêm, tôi đang triển khai kế hoạch đưa mô hình sản xuất bánh tráng của hợp tác xã lên trang thông tin của Hội Nông dân huyện để bà con nông dân làm theo mô hình sản xuất này. Mặt khác, qua đây tôi cũng muốn giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống của chúng tôi và cũng là cách để tiêu thụ sản phẩm.

Việc ứng dụng CNTT vào sản xuất của nông dân huyện Dầu Tiếng trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất. Đây chính là một hướng đi mới và phù hợp với sản xuất nông nghiệp hiện đại. Thiết nghĩ, dự án này nên mở rộng ra các địa phương khác để góp phần phát triển ngành nông nghiệp Bình Dương.

PHƯƠNG AN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=321
Quay lên trên