Được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp lãnh đạo về vốn, kỹ thuật... cộng với tinh thần chịu khó học hỏi của nông dân, đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó nổi bật là mô hình nuôi cá kiểng của anh Lê Văn Huệ và mô hình cây ăn trái các loại của bà Nguyễn Thị Lụa...
Nuôi cá kiểng... thu nhập tăng cao
Những năm gần đây, số người yêu thích thiên nhiên, yêu thích thú vui tao nhã hoa lan, cây cảnh và nuôi cá kiểng ngày càng cao, nắm bắt nhu cầu đó, anh Lê Văn Huệ ở ấp Xóm Bến đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá kiểng. Không ngờ, mô hình này đã đem lại hiệu quả, tăng thu nhập cho gia đình anh.
Với diện tích hơn 2.000m2, anh chia ra làm 72 ô nhỏ (1,5m2/ô), vốn đầu tư cơ bản hơn 100 triệu đồng. Các giống cá chủ yếu được anh chọn nuôi là cá Sêcan, cá hồng nhung, cá ông tiên, cá 7 màu, cá cánh buồm và cá dĩa, cá chuột cà phê, cá chuột trắng, cá tép kiểng... Anh Huệ cho biết: “Nuôi cá cảnh rất thuận tiện, không cần diện tích sản xuất lớn như trồng màu, làm vườn, có thể tận dụng sân, vườn... xây ao thả cá kiểng giống xuống nuôi. Để nuôi cá kiểng cho hiệu quả cao, trước tiên phải có con giống sạch bệnh, ao hồ nuôi được vệ sinh sạch sẽ, thả nuôi với mật độ vừa phải. Khi cho ăn nên bổ sung các loại vitamine và men tiêu hóa vào thức ăn theo định kỳ, nhằm giúp cá hấp thu tối đa nguồn dinh dưỡng có trong thức ăn và làm tăng khả năng chống chịu với môi trường bất lợi”.
Thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật, mô hình nuôi cá kiểng đã cho thu nhập gia đình anh trên 50 triệu đồng/tháng. Để mở rộng và nhằm đáp ứng nhu cầu nuôi cá kiểng ngoại nhập đủ màu, đủ loại, gia đình anh đang tu sửa lại ao hồ, củng cố làm điểm trung chuyển mua đi, bán lại các loại cá giống ngoại nhập; đồng thời đầu tư hệ thống sủi bọt khí và hệ thống đo độ pH của nước để điều chỉnh nước cho phù hợp với từng loại cá nuôi. Theo ông Huỳnh Văn Dưỡng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Tuyền thì đây là mô hình mới cho thu nhập tương đối cao và ổn định, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế của địa phương.
Thu lợi 200 triệu đồng/năm nhờ trồng cây ăn trái
Khởi nghiệp từ trồng lúa, với sự cần mẫn và ham học hỏi, bà Nguyễn Thị Lụa ở ấp Suối Cát, đã trở thành nông dân sản xuất giỏi nhờ trồng cây ăn trái.
Như là duyên may, trong lần đi tham quan vườn cây ăn trái ở các huyện khác, tình cờ, bà phát hiện nhiều người có cuộc sống khá giả nhờ trồng cây sầu riêng. Về nhà, bà mạnh dạn phá bỏ 1 ha vườn tạp lên liếp trồng sầu riêng RI6 và xen canh cây măng cụt cùng các loại cây ăn trái khác. Để có hiệu quả kinh tế cao, bà Lụa cho biết dù chi phí đầu tư nhẹ nhưng công chăm sóc tốn rất nhiều. Đặc biệt, sau khi thu hoạch, nhà vườn phải chọn lọc, cắt tỉa loại bỏ những cành cây ốm yếu, bón phân, tưới nước đúng lúc để dưỡng lại cây trước khi xử lý ra hoa. Muốn có trái to tròn, không bị lép, phải chịu khó bỏ công đi thụ phấn từng cái hoa để cho trái đạt chất lượng. Khi phát hiện cây có dấu hiệu lạ của mầm bệnh, phải theo dõi chặt chẽ tiến triển của nó để kịp thời tìm cách xử lý... nhằm kéo dài tuổi thọ của cây.
Với kinh nghiệm lâu năm, bà nhận thấy nếu bán sầu riêng nghịch mùa sẽ được giá cao hơn rất nhiều lần và tránh được tình trạng “đụng hàng, dội chợ” như lúc vào vụ. Vì thế, vài năm trở lại đây, bà đã tìm đến các nhà khoa học đọc thêm tài liệu, áp dụng tiến bộ khoa học vào việc xử lý sầu riêng trái vụ. Nhờ xử lý cho ra trái sớm, bà đã bán được giá cao hơn từ 4.000 - 5.000 đồng/kg so với lúc vào vụ. Bà Lụa nói thêm hiện cây sầu riêng có thể cho thu hoạch 80 - 100 trái/vụ, giá 35.000 đồng/kg... Chính sự cần mẫn đã giúp cho gia đình bà Lụa có cuộc sống ổn định gần 200 triệu đồng/năm từ cây sầu riêng.
THIÊN LÝ