“Hồi sinh” vỏ hộp sữa

Cập nhật: 17-06-2024 | 08:14:02

 Từ chương trình thu gom vỏ hộp sữa do Hội đồng Đội tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo phát động, những vỏ hộp sữa đã qua sử dụng, thay vì bị vứt bừa bãi thì nay đã trở nên có ý nghĩa khi được thu gom và tái chế ra các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đồng thời, kinh phí thu được từ việc thu gom, tái chế vỏ hộp sữa còn được dùng để thực hiện nhiều công trình, phần việc ý nghĩa chăm lo cho thiếu nhi.

 “Ngôi nhà kế hoạch nhỏ” - khu vực thu gom vỏ hộp sữa của 3 trường học tiêu biểu trong việc thu gom vỏ hộp sữa trên địa bàn TP.Dĩ An

 Hành động thiết thực bảo vệ môi trường

Theo thống kê, năm học 2022-2023, Bình Dương có hơn 527.100 học sinh từ mầm non đến THPT. Nếu tính trung bình cứ 1 học sinh uống 2 hộp sữa mỗi ngày thì có khoảng hơn 1 triệu vỏ hộp sữa được thải ra môi trường, tương đương khoảng 10.542kg vỏ hộp sữa 1 ngày. Chính vì thế, nhằm nâng cao nhận thức, thực hành về phân loại rác, bảo vệ môi trường (BVMT) cho thanh thiếu nhi, đặc biệt là các em học sinh trên địa bàn, Tỉnh đoàn phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa trên địa bàn tỉnh.

TP. Dĩ An là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện chương trình này với kết quả thu về gần 20.000kg vỏ hộp sữa, trong đó đơn vị cấp trường đi đầu là trường Tiểu học Tân Đông Hiệp. Tập thể giáo viên nhà trường đã thực hiện tốt công tác hướng dẫn học sinh xử lý hộp sữa sau khi sử dụng, các em học sinh thì rất hào hứng tham gia hoạt động thu gom vỏ hộp sữa. Em Nguyễn Song Hiểu Lam, học sinh trường Tiểu học Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An, cho biết: “Từ khi nhận được thông báo phát động việc thu gom vỏ hộp sữa, đều đặn hàng ngày, sau khi uống sữa em đã xếp gọn hộp sữa rồi mang đến góc thu gom vỏ hộp sữa của nhà trường để vào một góc. Việc nhỏ chẳng mất thời gian là mấy nhưng mang lại ý nghĩa lớn là góp phần BVMT nên em rất vui khi được tham gia chương trình ý nghĩa này”.

Anh Lê Tuấn Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh, cho biết: “Thông qua chương trình, Hội đồng Đội tỉnh mong muốn nâng cao nhận thức và hình thành thói quen cho học sinh các cấp tại các trường học tham gia phân loại, thu gom vỏ hộp sữa nói riêng và BVMT nói chung; đồng thời phát huy phong trào “Kế hoạch nhỏ”, giáo dục thiếu nhi về ý thức tiết kiệm, tinh thần đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau của các em đội viên, thiếu nhi. Chương trình được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 (năm học 2023- 2024) sẽ triển khai phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa tại các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu giai đoạn 1 là triển khai 300 điểm thu gom. Giai đoạn 2 (các năm tiếp theo) sẽ mở rộng chương trình với các đối tượng khác, như: THPT, đại học, cao đẳng…”.

Từ ý tưởng đến tâm huyết

Được biết, chương trình thu gom tái chế vỏ hộp sữa được xuất phát từ ý tưởng của cô giáo Nguyễn Thị Hoa, giáo viên trường Tiểu học Tân Đông Hiệp. Ý tưởng này đã được cô cùng một số thành viên tham gia cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên tỉnh Bình Dương năm 2023 và đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi.

Cô Nguyễn Thị Hoa nói: “Trước đây trong trường có đợt phát động thu gom vỏ hộp sữa, tôi lên mạng tìm hiểu vỏ hộp sữa có thể tái chế được những gì thì được biết nó có thể làm được rất nhiều thứ. May mắn tôi được sự đồng hành, hỗ trợ của người thân, đồng nghiệp, nhà trường, Tỉnh đoàn Bình Dương để chương trình ngày một lan tỏa…”.

Cô Hoa giải thích thêm về “vòng đời của vỏ hộp sữa”: “Vỏ hộp sữa được mang đến điểm thu gom, sau đó được vận chuyển đến kho để làm sạch và ép kiện và mang đến nhà máy tái chế. Tại nhà máy, vỏ hộp sữa sẽ được phân tách thành bột giấy và nhôm nhựa. Từ các thành phần đó, nhà máy sẽ sản xuất thành các sản phẩm tái chế và đưa đến tay người tiêu dùng. Theo đó, bột giấy sẽ được bóc tách và tái sản xuất thành giấy bìa, carton hay các loại sổ sách... Hợp kim nhôm nhựa sẽ được tái chế thành vật liệu tấm lợp sinh thái để lợp mái có tuổi thọ lên tới cả trăm năm. Ưu điểm của tấm lợp là cản nhiệt, chống cháy, chống thấm, thân thiện với môi trường…”.

Đặc biệt, chương trình càng ý nghĩa hơn khi kinh phí thu về sẽ dùng để xây dựng quỹ hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Với mỗi 3.000 đồng/kg vỏ hộp sữa được thu gom, trong đó 2.000 đồng/kg hỗ trợ cho các đơn vị duy trì các điểm thu gom, thực hiện các công trình, hoạt động chăm lo cho thiếu nhi tại đơn vị; 1.000 đồng/kg được sử dụng để Tỉnh đoàn thực hiện các công tác tổng kết, khen thưởng tại đơn vị thực hiện tốt và thực hiện các công trình cho thanh thiếu nhi và đóng góp kinh phí xây dựng tượng đài Lý Tự Trọng, xây dựng tủ sách, trồng cây xanh…

Anh Lê Tuấn Anh cho biết thêm: “Từ những kết quả đạt được, thời gian tới chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để chương trình được phổ biến rộng rãi đến các em học sinh và người dân trong cuộc sống hàng ngày; tiếp tục phối hợp với đơn vị đồng hành triển khai đến 100% các trường học; mở rộng thu gom thêm tại các trường ngoài công lập trên địa bàn tỉnh; đề xuất phân loại vỏ hộp sữa tại các khu dân cư, chung cư và khu công nghiệp để tăng hơn nữa lượng vỏ hộp sữa được tái chế; từ đó giảm lượng rác thải ra môi trường; đề xuất hỗ trợ khung giờ thu gom cho xe thu gom, tạo điều kiện để đội thu gom hoàn thành công việc đúng thời gian và bảo đảm vệ sinh tại các trường...”.

 Vừa qua, Tỉnh đoàn Bình Dương, Tetra Pak Việt Nam và Công ty TNHH TMDV Môi trường Hà Tâm tổ chức thành công cuộc thi tái chế “Cùng bé thu gom hộp giấy” tại Bình Dương năm 2024 với 2 nội dung chính là “Hồi sinh vỏ hộp sữa” và “Góc thu gom sạch đẹp” dành cho các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh. Có 267 trường học trên địa bàn tỉnh tham gia chương trình, kết quả thu được 44.667kg, tương đương hơn 44 triệu vỏ hộp sữa…

 NGỌC NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1704
Quay lên trên