Hội thảo khoa học cấp Quốc gia: Dạy và học ngoại ngữ ở bậc đại học trong kỷ nguyên số
Theo dõi Báo Bình Dương trên

(BDO) Nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, tạo lập một diễn đàn học thuật chất lượng cao để các giảng viên, nhà nghiên cứu và nhà quản lý giáo dục trao đổi, chia sẻ các kết quả nghiên cứu, phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ và kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và học tập ngoại ngữ ở bậc đại học, đồng thời tìm kiếm các giải pháp tối ưu nhằm nâng cao hiệu quả dạy và học trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, Hội thảo khoa học cấp quốc gia được tổ chức với chủ đề: "Foreign Language Teaching and Learning in Higher Education in the Digital Era" (Dạy và học ngoại ngữ ở bậc đại học trong kỷ nguyên số) đã được tổ chức.
Hội thảo tổ chức vào sáng ngày 18-4-2025 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Đây là sự kiện đồng tổ chức giữa các đơn vị: Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Trường Đại học Thương Mại; Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên; Học viện Chính sách và Phát triển; Học viện Quản lý Giáo dục.
Hội thảo nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà khoa học, giảng viên, nhà nghiên cứu, nhà quản lý giáo dục và sinh viên từ nhiều trường. Các bài trình bày tập trung vào những chủ đề: Phương pháp giảng dạy ngoại ngữ ở bậc đại học trong kỷ nguyên số; Ứng dụng công nghệ số trong thiết kế bài giảng và nội dung giảng dạy ngoại ngữ; Đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá trong dạy và học ngoại ngữ dựa trên công nghệ số; Nâng cao năng lực công nghệ thông tin cho giảng viên dạy ngoại ngữ; Kinh nghiệm và thách thức trong việc tích hợp công nghệ vào giảng dạy ngoại ngữ; Các mô hình dạy học kết hợp (blended learning) và học tập trực tuyến trong dạy ngoại ngữ; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) trong giảng dạy ngoại ngữ; Kinh nghiệm thực tiễn và mô hình thành công trong giảng dạy ngoại ngữ ở các cơ sở giáo dục đại học; Chính sách và quản lý giáo dục ngoại ngữ trong bối cảnh chuyển đổi số.
Hội thảo là sự nối tiếp thành công của chuỗi hội thảo thường niên đã được tổ chức qua ba kỳ trước tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Trường Đại học Thương mại và Đại học Thái Nguyên. Việc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đăng cai tổ chức hội thảo lần này là sự khẳng định sự tin tưởng và gắn kết học thuật giữa các trường đại học trong cả nước, đặc biệt là những đơn vị đào tạo có uy tín trong giảng dạy ngoại ngữ.
Hội thảo năm nay tiếp tục phát huy vai trò là diễn đàn học thuật chất lượng, quy tụ gần 100 bài tham luận từ các nhà nghiên cứu, giảng viên, cán bộ quản lý đến từ nhiều cơ sở đào tạo đại học và học viện trong cả nước. Không chỉ giới hạn trong khuôn khổ 5 trường đồng tổ chức, hội thảo còn nhận được sự hưởng ứng từ các đơn vị như: Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Học viện Hành chính và Quản trị công, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Trường Đại học Hải Phòng, Trường Đại học FPT, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, Trung tâm Khảo thí – Đại học Quốc gia Hà Nội và nhiều trường đại học, học viện khác có uy tín trong lĩnh vực đào tạo ngoại ngữ và nghiên cứu giáo dục.
Hội thảo là cơ hội quý báu để các giảng viên, các nhà khoa học nghiên cứu về giảng dạy ngoại ngữ cùng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, kết quả nghiên cứu, mô hình sáng tạo, cũng như đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả dạy và học ngoại ngữ trong môi trường đại học. Đây cũng là nơi để khơi dậy những ý tưởng đổi mới, những sáng kiến hợp tác giữa các trường, hướng tới một hệ sinh thái giáo dục ngoại ngữ hiện đại, hiệu quả, mang đậm tính hội nhập quốc tế.
Với vai trò là đơn vị đăng cai tổ chức, Học viện Báo chí và Tuyên truyền ý thức rất rõ rằng việc giảng dạy và học tập ngoại ngữ là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực báo chí, truyền thông, lý luận chính trị và khoa học xã hội – nhân văn. Trong thời đại mà thông tin lan truyền với tốc độ chóng mặt, người làm báo – người truyền thông – hơn ai hết cần phải có khả năng sử dụng ngoại ngữ thành thạo để tiếp cận thông tin quốc tế, phân tích nguồn tin đa ngữ, và truyền tải thông điệp đến những cộng đồng rộng lớn hơn, đa dạng hơn. Do đó, đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ, không đơn thuần là một yêu cầu học thuật, mà còn là một nhiệm vụ chiến lược trong bối cảnh toàn cầu hóa và số hóa mạnh mẽ hiện nay.
Những nội dung trình bày, thảo luận và phản biện tại hội thảo không chỉ dừng lại ở khía cạnh học thuật, mà còn lan tỏa thành hành động cụ thể trong giảng dạy – đào tạo, đóng góp tích cực vào việc hoàn thiện chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo và hội nhập quốc tế của các trường đại học ở Việt Nam.
Hội thảo không chỉ là dịp để nhìn lại những bước chuyển mình trong công tác giảng dạy ngoại ngữ ở bậc đại học, mà còn là cơ hội để các trường cùng nhau xác định những hướng đi mới, những giải pháp đổi mới toàn diện hơn nữa, tận dụng tối đa các thành tựu công nghệ và tinh thần hợp tác liên ngành để nâng cao chất lượng đào tạo.
TS