Hội thảo quốc gia về 90 năm báo chí cách mạng Việt Nam

Cập nhật: 18-06-2015 | 16:34:25

Quang cảnh Hội thảo Quốc gia "90 năm báo chí Cách mạng Việt Nam-Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm." (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

"90 năm báo chí cách mạng Việt Nam: Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm" là chủ đề hội thảo quốc gia do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 18-6 tại Hà Nội.

Hội thảo có sự tham gia đông đảo của các nhà báo lão thành, lãnh đạo các cơ quan báo chí, đại diện Ban Tuyên giáo một số tỉnh, thành phố.

Trước cuộc hội thảo cấp quốc gia, thời gian qua, các cấp Hội Nhà báo ở Trung ương và địa phương đã tổ chức đồng loạt hội thảo về chủ đề này. Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, qua đó ôn lại truyền thống vẻ vang của nền báo chí cách mạng Việt Nam, góp phần giáo dục nhận thức về trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân cho thế hệ nhà báo trẻ.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh 90 năm trước, ngày 21-6-1925, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam đã sáng lập Báo Thanh niên.

Từ đó, dưới sự chăm lo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo của Đảng, đùm bọc của đồng bào, đồng chí, báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển. Báo chí cách mạng Việt Nam luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện tốt chức năng là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và là diễn đàn của nhân dân.

Hệ thống báo chí ngày nay lớn mạnh với 4 loại hình báo chí: báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử đang hàng ngày, hàng giờ, thậm chí hàng phút cung cấp luồng thông tin khổng lổ, về cơ bản đã đáp ứng nhu cầu thông tin hàng ngày của nhân dân.

Ông Thuận Hữu cũng cho biết trong hoạt động của mình, báo chí luôn có ý thức phát huy truyền thống vẻ vang, giữ vững bản lĩnh chính trị vững vàng của báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện. Báo chí đã có những đóng góp to lớn trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Nhiều nhà báo đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường trong tư thế của người chiến sỹ. Đó chính là truyền thống vẻ vang của nền báo chí cách mạng Việt Nam cùng bản lĩnh, trách nhiệm của các nhà báo trong suốt 90 năm đồng hành, gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Tuy nhiên trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng, sự phát triển của công nghệ thông tin, báo chí vẫn còn mắc những sai phạm khuyết điểm. Trách nhiệm của những người làm báo là phải sớm khắc phục những điều này để giữ vững, phát huy truyền thống cách mạng của thế hệ cha, anh đi trước...

Tại cuộc hội thảo, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận nhằm làm nổi bật tính truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm của báo chí cách mạng Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của báo chí chậm được khắc phục. Trong đó, một bộ phận những người làm báo vẫn còn non kém về nhận thức chính trị, đã bộc lộ những khuyết điểm, yếu kém, vi phạm đạo đức nghề nghiệp...

Người đứng đầu một số cơ quan báo chí đã buông lỏng quản lý nội dung thông tin, quản lý đội ngũ phóng viên, coi trọng lợi nhuận, khai thác nhiều đề tài mặt trái của xã hội với mức độ thông tin dày đặc... Cùng với những thông tin giật gân, câu khách, vi phạm thuần phong mỹ tục là xu hướng xem nhẹ quy trình thẩm định nguồn tin, thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân...

Những hạn chế, khuyết điểm của báo chí là một trong những nguyên nhân làm giảm tính chính trị, tư tưởng, tính văn hóa, giáo dục của báo chí cách mạng Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Sơn, phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng, đội ngũ những người làm báo hơn ai hết phải luôn nâng cao bản lĩnh chính trị, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp, tiếp tục phát huy vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Nhà báo lão thành Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam hoan nghênh chủ trương sắp xếp lại hệ thống báo chí nước ta theo hướng nâng cao chất lượng.

Theo ông, đó không phải là hạn chế phát triển mà chính là tạo điều kiện cho phát triển bền vững. Nhà báo Phan Quang cũng cho rằng song hành với sắp xếp lại là bồi dưỡng, phát huy bản lĩnh người làm báo, nâng cao năng lực thực chất, nâng cao trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp của mỗi người làm báo.

Đề cập đến đạo đức người làm báo, phó giáo sư-tiến sỹ Vũ Văn Phúc, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết việc giữ gìn đạo đức của người làm báo thời nào cũng khó, mỗi thời có những khó khăn khác nhau. Trong xã hội hiện đại có nhiều yếu tố tác động đến việc giữ gìn, rèn luyện đạo đức người làm báo. Đó là do những tác động bên ngoài và từ chính bản thên người làm báo. Quy định về đạo đức người làm báo là cẩm nang để mỗi người làm nghề soi vào và tuân thủ. Còn việc rèn luyện đạo đức nghề nghiệp lại phụ thuộc và chính ý thức mỗi người làm báo...

Nhà báo lão thành Hà Đăng cũng cho rằng đối với mỗi nhà báo, rèn luyện bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp không bao giờ là chuyện cũ.../.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=447
Quay lên trên