Hội thi “Diễn xướng lễ cưới của người Việt Nam Bộ” : Giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa

Cập nhật: 04-11-2024 | 08:50:52

Nhằm góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, phù hợp với xã hội hiện đại, Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao TP.Thủ Dầu Một đã tổ chức Hội thi “Diễn xướng lễ cưới của người Việt Nam bộ” lần thứ I năm 2024. Tại sự kiện này, những nghi thức ca lễ cưới người Việt Nam bộ được thể hiện một cách sống động, ý nghĩa, góp phần xây dựng văn hóa gia đình bền vững, hạnh phúc và tiến bộ.


Nhiều nghi thức được tái hiện qua phần thi diễn của các đội

Chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gia đình Việt Nam” của hội thi “Diễn xướng lễ cưới của người Việt Nam bộ” đã phản ánh tầm quan trọng của gia đình trong đời sống xã hội. Ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao (VHTT-TT) TP.Thủ Dầu Một, cho biết hội thi được tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gia đình Việt Nam, một phần quan trọng trong di sản văn hóa của dân tộc. Qua hội thi giúp người tham gia dự thi cũng như người xem khám phá, tìm hiểu nhiều điều ý nghĩa, từ các nghi thức, phong tục tập quán đến các yếu tố văn hóa đặc sắc liên quan đến lễ cưới của người Việt Nam bộ.

Chương trình bao gồm nhiều phần thi khác nhau, các đội dự thi đã diễn xướng lại các nghi thức truyền thống trong lễ cưới như lễ dạm ngõ, lễ rước dâu, lễ tân hôn. Mỗi phần thi được dàn dựng công phu, kết hợp âm nhạc, trang phục truyền thống và những kinh nghiệm thực tế từ các gia đình đã gìn giữ truyền thống cưới hỏi qua nhiều thế hệ cùng cách diễn ngôn khéo léo của những người chủ lễ, đại diện nhà trai, nhà gái… đã truyền tải đến người xem những thông điệp sâu sắc về giá trị của gia đình và tình yêu đôi lứa.


Ban Tổ chức trao giải toàn đoàn cho các đội đạt giải tại hội thi

Sau một ngày diễn ra sôi nổi, hội thi đã khép lại với lễ trao giải vào tối 2-11. Kết quả, ở nội dung tiểu phẩm, Ban Tổ chức đã trao 5 giải khuyến khích, 1 giải ba, 1 giải nhì, 1 giải nhất; nội dung thuyết trình có 5 giải khuyến khích, 1 ba, 1 nhì, 1 nhất và giải toàn đoàn có 1 nhất (thuộc về đội phường Phú Cường), 1 nhì, 1 ba, 3 khuyến khích. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao giải phụ cho 2 đội có trang phục đẹp nhất và dàn dựng chương trình nghi lễ hay nhất.

Đây là lần đầu tiên TP.Thủ Dầu Một tổ chức hội thi về nội dung này, nhưng đã thu hút 14 đội đến từ các phường trên địa bàn tham gia dự thi. Ông Bùi Văn Đức, đến từ đội của phường Hiệp Thành, cho biết hội thi rất ý nghĩa, đã tái hiện lại những nét văn hóa truyền thống trong lễ cưới của người Việt ở Nam bộ, giúp mọi người hiểu hơn về truyền thống xưa và nay, từ đó có thể kết hợp những cái gì tốt đẹp để phát huy tốt hơn trong thời gian tới. “Theo tôi thành phố cần duy trì, tổ chức hội thi trong thời gian tới; đồng thời tổ chức thêm nhiều hội thi tương tự để nhắc nhở người dân luôn nhớ về truyền thống, từ đó cùng góp phần giữ gìn. Sau này có dựng vợ gả chồng cho con cái, tôi cũng sẽ thực hiện theo những nghi thức của người Nam bộ để nhắc con cháu mình hiểu hơn về truyền thống tốt đẹp của người dân Nam bộ nói riêng, của người Việt Nam nói chung”, ông Đức cho hay.

Dù còn một số vấn đề cần rút kinh nghiệm cho hội thi kỳ sau, nhưng điều đọng lại trong mỗi người qua hội thi “Diễn xướng lễ cưới của người Việt Nam bộ” lần này là sự học hỏi, chia sẻ, gắn kết các thế hệ lại với nhau và cùng nhau lan tỏa, tôn vinh văn hóa gia đình Việt Nam để dù có hội nhập, phát triển nhưng vẫn giữ được những điều cốt lõi, tinh túy của văn hóa truyền thống.

Cổng cưới long - phụng tạo hình lớn nhất Việt Nam


Cổng cưới long phụng được xác lập kỷ lục đặt tại công viên Nguyễn Du, phường Phú Cường

Một trong những điểm nhấn đặc biệt trong khuôn khổ hội thi diễn xướng lễ cưới là việc xác lập kỷ lục Việt Nam về “Cổng cưới tạo hình long - phụng bằng hoa, củ, quả dài nhất Việt Nam”. Cổng cưới có kích thước 8mx26m, do Trung tâm VHTT-TT TP.Thủ Dầu Một và ông Nguyễn Minh Thuận, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoa quả tạo hình Nét Việt thành phố thực hiện, đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục (phá vỡ kỷ lục cổng long phụng trước đó được thực hiện bởi Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên công nhân TP.Hồ Chí Minh xác lập vào năm 2022, với kích thước 6mx17,5m).

Cổng cưới được tạo hình hoàn toàn bằng thủ công từ hoa, lá, củ, quả; được kết, tạo hình từ các nguyên vật liệu chính, gồm: 200kg ớt, 300kg cà bắp, 60 bó lá cau, 10 bông lá dừa kết hoa chuyển động xoay tròn linh hoạt, 100kg lá thơm được cắt tỉa phù hợp đính vào long, phụng, hạt cây cao su và quả cây giáng hương làm thân rồng, 100kg hoa thạch thảo được cắm dưới chân long, phụng... Khung cổng được làm từ sắt và pallet; thân long, phụng được làm bằng xốp nhựa dẻo, gọt tỉa bằng tay và dán keo, cột kẽm chắc chắn. Vì thế, mặc dù có kích thước lớn nhưng cổng long phụng vẫn đủ độ cứng cáp, chắc chắn, thể hiện được tính nghệ thuật, văn hóa cưới hỏi truyền thống của người Việt Nam bộ.

Ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Trung tâm VHTT-TT TP.Thủ Dầu Một, cho biết cổng cưới long phụng không chỉ là biểu tượng cho sự phồn thịnh và hạnh phúc, mà còn mang ý nghĩa sâu sắc trong văn hóa Việt. Long là biểu tượng cho sức mạnh và quyền lực, kết hợp cùng phụng là biểu tượng cho sắc đẹp và hạnh phúc, khi hòa quyện lại sẽ tạo nên một không gian trang trọng và đầy sắc màu cho lễ cưới.

HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=944
Quay lên trên