Lần đầu tiên Sở GD-ĐT tổ chức hội thi hát múa và trò chơi dân gian dành cho học sinh (HS) THCS-THPT, tổ chức từ ngày 1 đến 3-4 tại Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh. Hội thi quy tụ 30 đơn vị tham gia các trò chơi kéo co, nhảy dây đôi và hát múa dân gian. Đây là một trong những hoạt động của phong trào “xây dựng trường học thân thiện - HS tích cực”. Hội thi không chỉ là sân chơi bổ ích đối với HS, mà còn giáo dục HS về đạo đức, thẩm mỹ và lối sống lành mạnh.
Các đội thể hiện tài năng qua các làn điệu dân caTại hội thi trò chơi dân gian lần I này, HS thi kéo co và nhảy dây đôi. Kéo co là trò chơi quen thuộc, chắc hẳn ai cũng biết, nhưng nhảy dây đôi chưa được phổ biến rộng rãi. Vì thế trò chơi này đã cuốn hút HS tham gia và đi theo cổ vũ. Tranh thủ chưa đến giờ thi, các đội kéo nhau ra sân tập luyện thêm một lần nữa. Dù tập nhiều lần, mồ hôi nhễ nhại, nhưng nhìn nét mặt em nào cũng tươi cười hớn hở. Đã lâu lắm rồi các em mới có được một buổi vui chơi thú vị như vậy. Một nhóm HS nữ trường THPT An Mỹ (TX.TDM) chia sẻ: Tụi em học cấp III phải mặc áo dài, vô trường đâu có được chơi những trò này. Mấy hôm nay tập ở trường đã thấy thích rồi, hôm nay tham gia thi thố với các bạn càng thấy khí thế hơn. Còn em Kiều Tiên, HS trường THPT Tây Sơn (Phú Giáo) cho biết: “Khi thầy kêu gọi HS dự thi, em và các bạn đăng ký ngay. Để tạo sự hưng phấn, tụi em thách đấu nhau rồi cứ thế mà tập luyện và mong mau đến ngày đi thi”.
Theo luật, mỗi đội chơi có 6 người, gồm 4 người nhảy và 2 người quay dây. Những ai chưa biết chơi sẽ thấy rối lắm, nhưng nhìn kỹ thì trò chơi này khá thú vị so với nhảy dây đơn và nếu nắm luật thì không có gì là khó cả. Người nhảy có giỏi phụ thuộc vào người quay dây. Người quay phải đều tay, dây trước dây sau và 2 dây không được đụng nhau. Còn người nhảy cũng phải nhịp nhàng, những em nhảy theo kiểu nhảy lò cò thì chơi được lâu hơn.
Trong khi ở ngoài sân các đội thi kéo co, nhảy dây đôi, thì phía trong hội trường các đội cùng thể hiện tài năng hát múa. Các thí sinh duyên dáng trong những bộ đồ bà ba, áo dài - khăn đóng, áo tứ thân, nón quai thao... thể hiện những làn điệu dân ca ngọt ngào của 3 miền đất nước. Đi theo cổ vũ các bạn, Thu Minh, trường THPT Nguyễn An Ninh (Dĩ An) nói: “Càng nghe những bài hát dân ca em càng thấy ý nghĩa, đâu như một số bài nhạc trẻ bây giờ không mấy ý nghĩa, đã vậy người diễn thì nhảy... loi nhoi thấy rối cả mắt”.
Ông Đặng Thành Sang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, mục tiêu của ngành là nhằm định hướng một số hoạt động về kỹ năng sống cho HS. Giáo dục đạo đức, thẩm mỹ và lối sống nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho HS. Đây cũng là một trong những hoạt động của phong trào “Xây dựng trường học thân thiện - HS tích cực”.
Việc tổ chức các hoạt động mang tính tập thể như trên giúp HS đoàn kết, gắn bó, thương yêu nhau. Đồng thời qua đây hướng các em đến các hoạt động có tính chất truyền thống, nhằm duy trì và bảo tồn các giá trị văn hóa Việt Nam do ông cha để lại.
H.THÁI