Chiều tối nay, người dân các nước trên thế giới và Việt Nam sẽ có cơ hội quan sát siêu nguyệt thực, bởi nguyệt thực một phần lần này trùng thời điểm với siêu trăng.
Nguyệt thực một phần. Theo Đặng Tuấn Duy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiên văn nghiệp dư TP HCM (HAAC), cực đại của nguyệt thực hôm nay diễn ra vào lúc 18h03 theo giờ Việt Nam.
"Lúc đó, 37% bề mặt mặt trăng sẽ bị che phủ. Thời điểm bắt đầu nguyệt thực là lúc 17h, khi mà trăng vẫn còn nằm dưới đường chân trời", Tuấn Duy nói.
Tuy nhiên, Đặng Tuấn Duy cho biết, do điều kiện không thuận lợi, nên người quan sát Việt Nam bỏ lỡ thời điểm bắt đầu của pha nhật thực, phải đến khoảng 13 phút sau pha cực đại lúc 18h03, mặt trăng mới nhô khỏi đường chân trời đối với TP HCM. Còn ở Hà Nội, người xem phải phải chờ đến 18h38 mới quan sát được hiện tượng này. Nguyệt thực kết thúc lúc 19h06.
Nguyệt thực là hiện tượng xảy ra khi mặt trăng đi vào vị trí thẳng hàng với trái đất và mặt trời nên bị che khuất bởi bóng của trái đất.
Hiện tượng nguyệt thực hôm nay xảy ra vào thời điểm mặt trăng tiến đến gần trái đất nhất trên quỹ đạo, vì thế nó được gọi là siêu nguyệt thực. Bắc Mỹ và Nam Mỹ sẽ thấy siêu nguyệt thực trước bình minh. Còn người dân ở Australia, một số vùng ở Đông Á và các đảo trong Thái Bình Dương quan sát nguyệt thực sau khi mặt trời lặn.
Mark Hammergren - một nhà khoa học của Trung tâm Thiên văn Adler tại thành phố Chicago, Mỹ - khẳng định nguyệt thực trùng với siêu trăng là hiện tượng rất hiếm. "Siêu nguyệt thực chỉ xảy ra một lần trong khoảng thời gian từ 10 tới 12 năm", ông nói.
Sau hiện tượng này, ngày 6-6, một hiện tượng thiên văn được trông đợi nhất trong năm là sao Kim đi qua mặt trời. Phải đợi 105 năm, hiện tượng này mới lặp lại lần nữa. Hiện tượng này sẽ kéo dài trong 6h40 và mọi nơi trên thế giới đều có thể quan sát.
Theo VNE