Hơn 250 hộ dân diện kt3 ấp nội hóa 1, xã Bình An (Dĩ An): Khát khao được mua điện đúng giá

Cập nhật: 17-06-2010 | 00:00:00

Điện sinh hoạt là một trong những nhu cầu thiết yếu phục vụ đời sống, thế nhưng từ nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân diện KT3 của ấp Nội Hóa 1 vẫn phải xài điện với giá cao do không mua được điện sinh hoạt từ Chi nhánh Điện lực Dĩ An. Nguyên nhân chỉ vì các hộ này đều không có giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất (QSDĐ) và quyền sở hữu nhà ở hợp pháp theo quy định.

Gia đình chị Hà Thị Huyền tổ 14, ấp Nội Hóa 1 là một trong số ít hộ diện KT3 ở ấp Nội Hóa 1 được sử dụng điện quốc gia theo giá Nhà nước. Chị cho biết, gia đình chị cất nhà từ năm 2004, lúc đó thủ tục xin mắc điện còn đơn giản, chỉ cần người dân đến trình bày với tổ trưởng và được sự hướng dẫn giới thiệu của ban ấp là có thể liên hệ Điện lực Dĩ An để vô đồng hồ điện. Lúc đó, có khoảng 17 hộ đã hùn tiền với mức 2,5 triệu đồng/hộ để trồng trụ điện. Vì vậy gia đình chị đã sử dụng điện quốc gia ổn định từ đó đến nay cho dù gia đình chị vẫn chưa có giấy tờ chứng minh QSDĐ và nhà ở hợp pháp.

Ấp Nội Hóa 1, xã Bình An là một địa bàn khá rộng với số dân nhập cư đông. Theo số liệu điều tra dân số năm 2009, tính luôn cả nhân khẩu thuê trọ, cả ấp có 2.700 hộ, trong đó nhân khẩu thường trú và KT3 chiếm trên 1.200 hộ, trong đó có khoảng gần 250 hộ KT3 hiện đang sử dụng điện câu móc từ những hộ khác trong cùng một tổ. Ông Lê Duy Lâm, Trưởng ấp Nội Hóa 1, cho biết hầu hết những hộ dân KT3 ở đây đều đến từ các tỉnh phía Bắc. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên họ thường tìm mua những nền nhà giá rẻ, diện tích nhỏ với 50 - 60m2, giao dịch bằng giấy tay nên không được công nhận QSDĐ. Điều này tất yếu dẫn đến hệ quả là không được công nhận quyền sở hữu nhà ở hợp pháp do khi xây cất nhà, người dân không đủ giấy tờ theo quy định để xin phép xây dựng.

Hiện tại, số nhân khẩu KT3 xài chung điện kế tập trung nhiều ở các tổ 8, 14 và 15. Để có điện sinh hoạt, họ phải câu nhờ điện từ hàng xóm hoặc nhà bà con với giá từ 2.500 - 3.000 đồng/kWh. Vì xài điện với giá cao nên mọi sinh hoạt có sử dụng điện đều phải tiết kiệm tối đa. Nhiều gia đình, điện chỉ được sử dụng thắp sáng vào ban đêm để phục vụ cho sinh hoạt và học tập của con cái. Thậm chí vào những lúc thời tiết oi bức nhưng có nhà vì tiết kiệm tiền điện không dám mở quạt. Một số hộ kinh tế thuộc hàng khá cũng tuyệt nhiên không mua tủ lạnh, máy giặt vì xài nhờ điện nên khi mua sắm thiết bị sử dụng điện phải hỏi ý kiến của hộ cho câu mắc điện nên rất phiền hà.

Bà Chế Thị Thảo mua đất xây dựng nhà ở từ năm 2007, sau gần 3 năm định cư ở tổ 15, ấp Nội Hóa 1, hiện gia đình bà vẫn phải xài điện nhờ từ nhà mẹ đẻ với giá 2.500 đồng/kWh. Mặc dù không sử dụng tủ lạnh, máy giặt còn ti vi và quạt máy chỉ mở vào những giờ cần thiết nhưng mỗi tháng vẫn chi trả gần 300 ngàn tiền điện. Tương tự trường hợp trên là hộ chị Trần Thị Quế, tổ 14 hiện xài chung đồng hồ điện với gia đình người anh họ. Do cùng chung một đồng hồ nên định mức điện sinh hoạt hàng tháng đều vượt từ 200 - 300kw. Chị Quế mong mỏi được xem xét mua điện Nhà nước nhằm bảo đảm cho các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.

Theo quy định của ngành điện thì hộ dân muốn đăng ký sử dụng điện sinh hoạt cần có các giấy tờ về hộ khẩu thường trú tại điểm mua điện hoặc giấy chứng nhận tạm trú dài hạn, giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc QSDĐ, nhà hoặc hợp đồng thuê nhà. Như vậy, so với các quy định này thì các hộ nêu trên đã không thể mua điện sinh hoạt theo giá quy định của Nhà nước vì không có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và đất hợp pháp. Vấn đề đặt ra ở đây là trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực xây dựng, bởi qua tìm hiểu thì mặc dù xây dựng không phép nhưng chưa có trường hợp nào bị buộc đình chỉ xây dựng hoặc tháo dỡ công trình, có chăng là những xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực xây dựng rồi đâu cũng lại vào đấy. Thực trạng này không chỉ đặt người dân vào tình huống “dở khóc dở cười” vì không được công nhận chủ quyền nhà và đất mà còn có thể ảnh hưởng đến quy hoạch sử dụng đất và công tác chỉnh trang đô thị của địa phương.

Ở phạm vi bài viết này, chúng tôi cũng xin đề cập đến sự cần thiết trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật, nhằm để người dân hiểu và thực hiện đúng quy định của Nhà nước trên các lĩnh vực, qua đó tạo điều kiện giúp người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình trước cơ quan pháp luật.

LÊ LÂM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên