Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn, trao đổi với Dân trí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Năm nay có 415.282 thí sinh có điểm thi đại học trên sàn. Số thí sinh trúng tuyển NV1 là 206.302. Như vậy, số nguồn tuyển NV2, NV3 năm nay khá lớn”.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga.
Thưa Thứ trưởng, với mức điểm sàn năm nay, khối A, D là 13, khối B, C là 14 điểm sẽ có bao nhiêu thí sinh trúng tuyển NV1 và có bao nhiêu thí sinh có điểm sàn nhưng không trúng tuyển NV1?
Năm nay có 415.282 thí sinh có điểm thi đại học trên điểm sàn, trong khi đó chỉ tiêu là 266.631. Trong số trên có 206.302 thí sinh trúng tuyển NV1; 208.980 thí sinh có điểm thi trên sàn nhưng trượt NV1.
Thông tin trúng tuyển về các khối cụ thể như sau:
Khối A có 195.096 thí sinh có điểm trên sàn. Trúng tuyển NV1 là 117.785 trên tổng số 157.278 chỉ tiêu. Như vậy, số dư còn 77.311 thí sinh.
Khối B, số thí sinh có điểm thi trên sàn là 114.441. Số thí sinh trúng tuyển NV1 là 28.567 trên tổng số 29.571 chỉ tiêu. Số dư là 85.874 thí sinh.
Khối C, số thí sinh có điểm từ sàn trở lên là 28.221. Số thí sinh trúng tuyển NV1 là 17.400 trên tổng số 23.538 chỉ tiêu. Số dư là 10.821 thí sinh.
Khối D, số thí sinh có điểm trên sàn là 77.524. Số thí sinh trúng tuyển NV1 là 42.550 trên tổng số 56.244 chỉ tiêu. Số dư là 34.974 thí sinh.
Như vậy, còn 208.980 thí sinh có điểm thi trên sàn không trúng tuyển NV1. Đây là nguồn tuyển NV2.NV3 rất lớn dành cho các trường đại học.
Với nguồn tuyển NV2, NV3 lớn như vậy, nhưng trao đổi với Dân trí, lãnh đạo của nhiều trường đại học ngoài công lập (NCL) vẫn lo thiếu nguồn tuyển. Theo Thứ trưởng liệu các trường NCL hay các trường đại học vùng năm nay có tuyển đủ chỉ tiêu không trong khi đó tâm lý của nhiều thí sinh không muốn về địa phương học và muốn học đại học ở các thành phố lớn?
Với mức điểm sàn năm nay, Bộ GD-ĐT đã tính toán khá kỹ về số lượng thí sinh dự thi đại học ở các vùng miền trong cả nước để chuyển dịch thí sinh về địa phương học.
Với những trường đại học ở các vùng khó khăn ,miền núi, Tây nguyên, đồng bằng sông Cửu long còn thiếu chỉ tiêu NV1 năm nay có nhiều nguồn tuyển. Bởi, số thí sinh trên điểm sàn ở các vùng này cao hơn số lượng chỉ tiêu mà các trường cần tuyển.
Cụ thể, khối D, ở các trường vùng núi phía Bắc, số lượng thí sinh ở các vùng này không trúng tuyển ở các trường đại học Hà Nội mà có điểm thi trúng tuyển ở các trường đại học khu vực Tây Bắc cao gấp 10 lần.
Tại đồng bằng sông Cửu Long, với các khối A,B,C,D, số thí sinh có hộ khẩu dự thi đại học ở TPHCM có điểm thi bằng điểm ở các trường địa phương cao gấp đôi số lượng chỉ tiêu mà các trường cần tuyển.
Hiện nay, có rất nhiều trường đại học NCL số lượng thí sinh vào trường ngày càng ít đi, thậm chí có trường chỉ tuyển được 25% số lượng chỉ tiêu được giao. Với những trường như vậy, Bộ sẽ giải quyết thế nào?
Năm nay, Bộ đã để số lượng thí sinh dư rất nhiều so với chỉ tiêu giao cho các trường. Do vậy, còn lại là vấn đề của các trường tạo sức hút như thế nào với các thí sinh.
Những trường đại học mấy năm tuyển được ít thí sinh thì cần phải xem lại chiến lược hoạt động. Lập trường đại học không đơn giản như thành lập doanh nghiệp. Nếu không đủ uy tín thì khó thu hút được người đến học. Cần phải thay đổi chiến lược đào tạo, lấy uy tín từ từ, phải có quá trình đào tạo như thực hiện đào tạo từ trung cấp lên cao đẳng rồi mới đào tạo đại học.
Trong năm tới, Bộ sẽ siết chặt việc giao chỉ tiêu tuyển sinh. Với những trường đại học 3 năm liền không tuyển đủ chỉ tiêu được giao, Bộ sẽ cắt giảm chỉ tiêu để chuyển sang những trường đại học khác. Với những trường đại học 3 năm liền không tuyển sinh được sẽ bị đình chỉ tuyển sinh.
Bộ GD-ĐT phải làm vậy là vì nhiệm vụ của Bộ là phải cầm trịch về chất lượng đào tạo của các trường đại học đặc biệt là đầu vào, thực hiện theo đúng Nghị quyết 50 của Quốc hội là đảm bảo chất lượng giáo dục đại học.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Theo Dân Trí