Hơn 50 hộ dân ở ấp 5 xã An Thái, huyện Phú Giáo luôn khát khao, mong mỏi được sử dụng nguồn điện lưới quốc gia không phải qua điện kế cụm. Thế nhưng, đã hơn 10 năm trôi qua, ước mơ nhỏ bé ấy vẫn chưa thành hiện thực, mặc dù kiến nghị của người dân nơi đây đã được gửi đến các ngành, các cấp trong tỉnh.
Khổ vì điện!
Con đường dẫn từ trung tâm xã An Thái vào đến ấp 5 thật khang trang, hai bên đường bạt ngàn cao su, những ngôi nhà mới xây làm cho diện mạo của ấp 5 càng thêm khởi sắc. To đẹp thế đấy, hoành tráng đấy nhưng hai bên đường có đến hơn 50 hộ dân, chiếm hơn một nửa số hộ ấp 5, trong suốt thời gian dài đang phải sống trong cảnh leo lét do điện yếu. Hỏi ra mới biết, cả chục hộ dùng chung một đồng hồ, chung một đường dây. Nhà này sử dụng máy bơm nước thì nhà khác khỏi xài. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Mỹ (71 tuổi, người dân ấp 5), than thở: “Nhiều nhà dùng chung có một đường dây, nên điện vừa yếu vừa chập chờn, khổ lắm chú ạ. Vào giờ cao điểm, có bật cái tivi lên cũng chỉ thấy mờ mờ! Cái cảnh xài điện chung như thế này chúng tôi ngán lắm rồi”.
Người dân ấp 5 mỏi mòn chờ… điện! (ảnh trên); điện yếu không xem được tivi nhưng hàng tháng vẫn phải dốc hầu bao trả tiền điện
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Ba (chủ một điện kế có 10 hộ xài chung) cho biết hàng tháng có giấy báo của chi nhánh điện đưa về, bà con chia nhau ra trả tiền. Bên cạnh đó, mỗi hộ phải đóng thêm 3.000 đồng/tháng cho người đi thu tiền điện nhưng cũng chẳng được đáng bao nhiêu. Điều đáng nói mỗi tháng phải chịu hao hụt đường dây cả trăm kWh điện, người dân rất bức xúc về điều này. Ông Ba cũng cho biết thêm, việc chia nhau chịu tiền hao hụt điện năng hay chia tiền điện cũng rất phức tạp, người ít, người nhiều, người ở xa nên thường hay nảy sinh mâu thuẫn. Còn ông Nguyễn Tiến Thịnh (82 tuổi, người dân ấp 5) cho biết gia đình có hai ông bà, không tủ lạnh, máy giặt, vậy mà tháng nào cũng cả trăm ngàn tiền điện. Đã vậy những hộ nghèo, ở xa đường dây tiền điện hàng tháng bằng cả tiền mua gạo cho con, như vậy làm sao mà khá lên được.
Làm sao dân tin?
Theo bà con ở ấp 5, mong muốn cho đến bây giờ là được Nhà nước đầu tư một đường dây hạ thế hoặc trung thế để bà con kéo điện vào từng nhà, xài hết bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu. Thế nhưng ước muốn đó không những không thực hiện được mà nó còn âm ỉ, gây biết bao nhiêu phiền toái và mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Bà Triệu Thị Rê, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp 5, nói thẳng: “Cả chục hộ xài chung 1 điện kế, hàng tháng chia tiền khấu hao điện năng và tiền điện tiêu thụ đã dẫn đến mâu thuẫn, thậm chí là đánh nhau. Nhiều lần tiếp xúc cử tri dân có ý kiến nhưng không được giải quyết, vậy là lần sau dân không tin nữa, mời đi tiếp xúc cử tri là họ thờ ơ ngay”.
Không riêng việc phát sinh mâu thuẫn từ trong nhân dân mà ngay trong nội bộ cán bộ cũng nảy sinh nhiều thắc mắc. Bởi lẽ, từ hơn 10 năm trước đây xã An Linh cũ (chưa chia tách ra An Thái) ký hợp đồng với Sông Bé Electric xây dựng một đường điện dài khoảng 6km (từ ngã ba chùa An Linh đến ngã ba nhà ông Năm Hữu) với tổng số vốn gần 600 triệu đồng. Nhân dân đã đóng góp với tổng số tiền gần 400 triệu đồng, trong đó có một số hộ dân ấp 5 xã An Thái đóng góp với số tiền 5.550.000 đồng để xây dựng đường dây điện nói trên. Tuy nhiên, theo thiết kế, đường dây điện này chỉ kéo đến đầu ấp 5, xã An Thái. Đến bây giờ, một nửa người dân ấp 5 phải dùng điện “nhờ” của huyện Đồng Phú (Bình Phước) và của Trại giam An Phước (Bộ Công an). Bức xúc về điều này người dân mới có thơ rằng: “Hai đầu điện sáng như sao/ Chúng tôi ở giữa, điện không vào không ra”. Đáng nói hơn là số tiền 5.550.000 đồng mà hàng chục năm trước người dân đã đóng góp, xây dựng đường dây điện, nhưng cho đến nay vẫn phải xài chung, dây, cột cũng chẳng kéo tới.
Người dân nghi ngờ số tiền này đã bị “xà xẻo” hết. Trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Ngọc Nghiệp (nguyên Trưởng ban Tài chính xã An Linh cũ) đã đưa ra một loạt giấy tờ, chứng từ, chứng minh số tiền đó đã được gộp vào nộp cho Sông Bé Electric để xây dựng đường dây nói trên. Ông Nghiệp, nói: “Việc xây dựng và thanh lý đường dây điện do dân đóng góp này còn nhiều điều khuất tất, nên tôi phải giữ lại toàn bộ giấy tờ của hàng chục năm trước, đề phòng có người chơi xấu”. Tuy nhiên, chuyện của hơn 10 năm trước chúng tôi cũng không muốn nhắc lại vì số cán bộ thời đó cũng đã nghỉ hưu. Nhưng điều mà chúng tôi muốn nói số tiền 5.550.000 đồng của một số hộ dân ấp 5 đóng góp để xây dựng đường dây, nhưng đến nay họ vẫn không được thụ hưởng.
Đã xóa điện kế cụm?
Trao đổi với chúng tôi mới đây, Giám đốc chi nhánh điện Phú Giáo Lê Hùng Quốc, cho biết: “Hiện nay, nhiều hộ dân ở ấp 5 xã An Thái đang sử dụng chung một điện kế là đúng, nhưng ở đây chúng tôi đã xóa điện kế tổng và điện kế cụm. Mỗi hộ dân đều được hưởng mức giá điện sinh hoạt bậc thang. Nhiều lần tiếp xúc cử tri, chi nhánh điện đã nhận được ý kiến phản ánh của bà con. Chúng tôi đã cho người đi khảo sát, lập kế hoạch xây dựng đường dây điện kéo vào ấp 5 xã An Thái với chiều dài 1,8km và đã xong giai đoạn 1. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện giai đoạn 2, kinh phí cấp không đủ, phải chia cho nhiều xã khác nên giai đoạn 2 bị chậm lại cho đến bây giờ. Tới đây, tôi sẽ cho Phòng Kế hoạch - Tổng hợp rà soát, điều tra lại toàn bộ hiện trạng sử dụng điện của người dân ấp 5, đồng thời chúng tôi sẽ có ngay văn bản đề nghị Điện lực Bình Dương cấp kinh phí từ nguồn ứng trước của ngân sách tỉnh (thay vì kinh phí do Điện lực 2 đầu tư theo Luật Điện lực - PV) để khẩn trương xây dựng đường dây, kéo điện đến cho bà con”.
Như để làm rõ những vấn đề ông Quốc đã nêu, một cán bộ của Chi nhánh điện Phú Giáo đưa ra bản danh sách những hộ dân ấp 5 đang sử dụng chung 1 điện kế, cụm cao nhất có 9 hộ và cán bộ này tiếp tục khẳng định ở ấp 5 đã xóa điện kế cụm, vì theo quy định, điện kế cụm phải có trên 10 hộ dân chung một điện kế. Thế nhưng, ở ấp 5 xã An Thái hiện có rất nhiều cụm và hộ phải sử dụng chung điện kế theo từng cụm nhưng con số không quá 10 hộ. Phải chăng việc xóa điện kế cụm ở ấp 5 xã An Thái là chỉ xóa ở trên giấy, bằng cách thêm bớt 1-2 hộ trong 1 cụm là đã “xóa” được. Trả lời câu hỏi của PV, đến bao giờ giai đoạn 2 xây lắp đường dây 1,8km vào ấp 5 mới được tiến hành và khi nào xong, ông Lê Hùng Quốc nói: “Cái đó còn tùy thuộc vào Điện lực Bình Dương, tôi không thể nói trước đến khi nào xong”.
Đỗ Trường