Ngày 1-4, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình an toàn truyền máu giai đoạn 2001-2010 và Triển khai Dự án an toàn truyền máu thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia y tế năm 2011.
Tham gia hiến máu tự nguyện ở TP.HCM. Năm 2010, Chương trình an toàn truyền máu đã thu được 670.435 đơn vị máu trong cả nước tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2002 đáp ứng được trên 90% chỉ tiêu đề ra của chương trình.
Người hiến máu không lấy tiền trên toàn quốc đạt 84,2%; cơ bản loại trừ được người hiến máu có nguy cơ cao, khuyến khích cho máu nhắc lại; đảm bảo 100% đơn vị máu trước khi truyền được sàng lọc đủ 5 bệnh nhiễm trùng (HIV, viêm gan B, viêm gan C, giang mai và sốt rét)... đồng thời, chương trình đã trang bị giàn ELISA cho 8 tỉnh để đảm bảo sàng lọc đủ các bệnh nhiễm trùng qua đường máu, cung cấp Labo phát máu cho 40 bệnh viện trên phạm vi toàn quốc, 8 máy ủ và lắc tiểu cầu cho các bệnh viện lớn...
Tại các trung tâm truyền máu lớn (Hà Nội, Huế, Chợ Rẫy, Trung tâm truyền máu và huyết học TP.HCM...) đã sản xuất được trên 90% đơn vị máu được tiếp nhận để thực hiện truyền máu từng phần vừa an toàn vừa tiết kiệm.
Bên cạnh đó, Chương trình vẫn còn những mặt tồn tại như việc tiếp nhận và cung cấp máu hiện nay được tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn (Hà Nội, Huế, TP.HCM và Cần Thơ) chiếm 57,4% tổng số lượng máu thu được trên toàn quốc, trong khi đó lượng máu thu được ở 44 tỉnh, thành còn lại chỉ chiếm 42,6%.
Phong trào hiến máu nhân đạo chưa thực sự phát triển và bền vững. Tỷ lệ người hiến máu chuyên nghiệp vẫn còn chiếm 15,8%. Đội ngũ cán bộ làm công tác truyền máu tại tuyến tỉnh, huyện còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu của dịch vụ truyền máu hiện nay.
Để từng bước cung cấp máu và các sản phẩm máu có chất lượng và an toàn, năm 2011, chương trình an toàn truyền máu tiếp tục hỗ trợ và phối hợp công tác tuyên truyền vận động hiến máu, phấn đấu tỷ lệ người hiến máu không lấy tiền đạt 85%; loại trừ lấy máu ở nhóm người nguy cơ cao, khuyến khích hiến máu nhắc lại, đảm bảo sức khỏe cho người hiến máu; tăng cường đầu tư, mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm kiểm tra chất lượng, phấn đấu tiếp nhận được 740.000 đơn vị máu trở lên; đẩy mạnh công tác đào tạo chuyên môn cho cán bộ, bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng viên của các trung tâm truyền máu và các cơ sở có dịch vụ truyền máu trên phạm vi cả nước... đồng thời, thiết lập hệ thống công nghệ thông tin để quản lý nguồn người hiến máu và hoạt động của các Trung tâm; từng bước hoàn chỉnh hệ thống quản lý chất lượng trong tất cả các Trum tâm truyền máu; quy hoạch mạng lưới truyền máu...
Theo TTXVN