Hơn 7.000 hóa chất có trong thuốc lá

Cập nhật: 12-09-2023 | 14:19:33

(BDO) Mỗi điếu thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất khác nhau và nhiều trong số đó là có hại cho sức khỏe, ít nhất có 69 chất có khả năng gây ung thư. Khi những hóa chất này thâm nhập vào cơ thể, chúng là nguyên nhân gây ra 25 căn bệnh khác nhau cho người hút thuốc như: bệnh tim, đột quỵ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và ung thư.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính mỗi năm thuốc lá gây ra khoảng 8 triệu ca tử vong, trong đó khoảng 900.000 ca là những người không hút thuốc tử vong do hít phải khói thuốc. Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra khoảng 25 căn bệnh khác nhau cho người hút thuốc, là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh tim, đột quỵ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và ung thư. 



Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tập huấn cho giáo viên về tác hại của thuốc lá  

Hệ thần kinh trung ương

Bên cạnh những ảnh hưởng đến hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, các bệnh lý trong thai nghén… thuốc lá còn ảnh hưởng một phần không hề nhỏ đến hệ thần kinh  của con người. Một trong những thành phần cấu tạo nên thuốc lá đó chính là nicotine, đây là một chất độc gây nghiện. Chính loại chất này trong thuốc lá là tác nhân ảnh hưởng đến hệ thần kinh của con người.

Nicotin là chất làm thay đổi tâm trạng. Sau khi được sử dụng, chất này sẽ truyền tới não ngay trong vài giây. Nó kích thích hệ thần kinh trung ương và khiến người hút cảm thấy tràn đầy sinh lực. Khi hiệu ứng này lắng xuống, người hút sẽ cảm thấy mệt mỏi, trí tuệ sa sút và giảm hiệu quả trong học tập và làm việc.

Hệ hô hấp

Hút thuốc gây ra hiện tượng gọi là tăng tính đáp ứng đường thở, do ảnh hưởng của các chất độc hại trong khói thuốc, đường thở bị co thắt. Khi điều này xảy ra thì luồng khí hít vào và thở ra đều bị cản trở ở người hút thuốc và do đó có thể bị khó thở. Ở phổi, hút thuốc sẽ gây ra tổn thương ở phổi, làm chậm phát triển chức năng phổi ở trẻ nhỏ và gây ra nhiều triệu chứng hô hấp mãn tính như: ho mãn tính, khò khè, có đờm, khó thở.

Những người hút thuốc thường bài tiết nhiều đờm hơn những người không hút thuốc, khả năng đưa đờm ra khỏi đường hô hấp lại kém hơn. Điều này là do hệ thống lông chuyển ở người hút thuốc bị tê liệt, thậm chí bị phá hủy. Khói thuốc cũng làm thay đổi cấu trúc các tuyến tiết nhầy, do vậy, thành phần của chất nhầy cũng bị thay đổi. Đôi khi các tuyến tiết nhầy bị tắc lại làm giảm khả năng bài tiết đờm. Hậu quả cuối cùng là chất nhầy ở những người hút thuốc bị nhiễm bởi các chất độc hại, và bị giữ lại nhiều trong tổ chức phổi, cản trở sự lưu thông trao đổi khí. Hút thuốc thường xuyên trong một thời gian dài có thể làm cho phổi mất khả năng lọc các hóa chất độc hại. Ngoài ra, hút thuốc còn có nguy cơ cao bị nhiễm trùng hô hấp, cảm lạnh và cúm. Hút thuốc kéo dài cũng làm tăng nguy cơ ung thư phổi.

Hệ tim mạch

Hút thuốc gây tổn thương tới toàn bộ hệ tim mạch. Khi nicotin được hít vào cơ thể, nó khiến cho mạch máu bị co lại, cản trở lưu thông máu (bệnh động mạch ngoại vi). Hút thuốc làm giảm hàm lượng cholesterol tốt và tăng huyết áp, có thể dẫn tới giãn động mạch và tích tụ cholesterol xấu (xơ vữa động mạch). Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông từ đó tăng nguy cơ bệnh tim và đột quỵ. Về lâu dài, những người hút thuốc có nguy cơ cao hơn bị ung thư máu (bệnh bạch cầu).

Hoàng Linh - Quỳnh Trang

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=772
Quay lên trên