Số lượng người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường đã tăng gấp đôi trong 3 thập kỷ qua lên hơn 800 triệu người chủ yếu do chế độ ăn uống không lành mạnh và lối sống ít vận động.
Trụ sở Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Geneva, Thụy Sĩ.
Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí The Lancet đã hé lộ bức tranh đáng báo động về tình hình bệnh tiểu đường (đái tháo đường) trên toàn cầu. Theo đó, số lượng người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường đã tăng gấp đôi trong 3 thập kỷ qua lên hơn 800 triệu người, trong đó sự gia tăng chủ yếu tập trung ở các nước đang phát triển.
Nghiên cứu cho biết trong năm 2022, ước tính có khoảng 828 triệu người từ 18 tuổi trở lên trên toàn thế giới sống chung với bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2. Trong đó, 445 triệu người từ 30 tuổi trở lên, chiếm 57%, đang phải đối mặt với căn bệnh này mà không được điều trị. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là sự gia tăng của các yếu tố nguy cơ như béo phì, chế độ ăn uống không lành mạnh và lối sống ít vận động.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trước đó ước tính khoảng 422 triệu người mắc bệnh tiểu đường. Nghiên cứu mới nhất cho thấy tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường toàn cầu đã tăng gấp đôi kể từ năm 1990, từ khoảng 7% lên 14%, chủ yếu do sự gia tăng các trường hợp ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Tuy nhiên, nghịch lý là tỷ lệ bệnh nhân được điều trị ở các nước trên hầu như không tăng, trong khi ở các quốc gia có thu nhập cao hơn tình hình đã được cải thiện.
Nghiên cứu đánh giá sự gia tăng số bệnh nhân mắc tiểu đường và số người không được điều trị đang ngày càng đè nặng lên các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Đơn cử như, gần 33% số phụ nữ ở Pakistan hiện mắc bệnh tiểu đường trong khi con số này vào năm 1990 là chưa đến 10%. Ở khu vực châu Phi phía Nam sa mạc Sahara, chỉ có 5-10% số người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường được điều trị vào năm 2022. Điều này đồng nghĩa với việc trong số người mắc tiểu đường không được điều trị sẽ có lượng lớn người có nguy cơ gặp các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe.
Nhà nghiên cứu cấp cao Majid Ezzati của Imperial College London cho rằng khoảng cách ngày càng lớn trong việc điều trị tiểu đường ở các nước nghèo so với các nước giàu là đặc biệt đáng lo ngại. Lý do là bởi ở các quốc gia thu nhập thấp, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường có xu hướng trẻ hóa và nếu không có phương pháp điều trị hiệu quả, bệnh nhân có nguy cơ phải gánh chịu các biến chứng suốt đời.
Nghiên cứu trên do NCD Risk Factor Collaboration và WHO phối hợp thực hiện. Đây là phân tích toàn cầu đầu tiên bao gồm ước tính tỷ lệ người mắc tiểu đường và tình trạng điều trị ở tất cả các quốc gia. Báo cáo dựa trên hơn 1.000 nghiên cứu nhỏ liên quan đến hơn 140 triệu người. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng cả hai loại xét nghiệm tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh tiểu đường là nồng độ glucose trong máu cao khi đói và hemoglobin glycat hóa (HbA1c) cao nhằm đánh giá chuẩn xác hơn về tỷ lệ người mắc bệnh này.
Tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa cacbohydrat (đường) do lượng insulin của tuyến tụy tiết ra bị thiếu (tương đối hoặc tuyệt đối), hoặc do giảm/mất tác động hiệu quả lên mô đích (kháng insulin). Hậu quả dẫn đến tình trạng đường (glucose) trong máu cao, vượt ngưỡng đường của thận, nước tiểu có đường, trong thời gian dài gây biến chứng mạch máu trầm trọng ở tất cả các cơ quan trong cơ thể.
Tiểu đường tuýp 1 ảnh hưởng đến bệnh nhân từ khi còn trẻ và khó điều trị hơn do thiếu hụt insulin. Tiểu đường tuýp 2 chủ yếu ảnh hưởng đến người trung niên hoặc cao tuổi - những người mất đi độ nhạy cảm với insulin./.
Theo TTXVN