Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 23/QÐ-TTg ngày 6-1-2010 phê duyệt Ðề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020”.
Theo Bộ Công Thương, hiện nay có đến 45% hàng hóa được lưu chuyển qua chợ dân sinh. Ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, mục tiêu phát triển thương mại nông thôn nhằm kích thích tiêu dùng và tăng nhanh sức tiêu thụ hàng hóa trong nước. Do vậy, trong năm 2010, cơ bản hoàn thành việc rà soát, đánh giá và tổ chức lại hợp tác xã thương mại ở địa bàn nông thôn.
Để nhà đầu tư yên tâm đầu tư lâu dài ở thị trường nông thôn, quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại nông thôn (trọng tâm là mạng lưới chợ) được ưu tiên số một. Các địa phương sẽ lập tức bắt tay thực hiện quy hoạch phát triển hạ tầng cho thương mại nông thôn với tổng kinh phí dự kiến từ nay đến năm 2011 là 31,5 tỷ đồng (mỗi tỉnh 500 triệu đồng).
Đề án nêu rõ đến năm 2011, quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại ở địa bàn nông thôn, trong đó có quy hoạch chợ biên giới phải được hoàn thành. Đến năm 2015, 50% chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu được nâng cấp, cải tạo và xây mới. Theo đề án, từ nay đến năm 2020, sẽ cải tạo, nâng cấp 142 chợ và xây mới 276 chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu với tổng vốn đầu tư dự kiến là 1.534 tỷ đồng.
Năm tiếp theo (2012), các chợ đầu mối nông sản sẽ được xây dựng xong tại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như chợ lúa gạo ở Cần Thơ, chợ nông sản Nghệ An, Hải Dương, chợ rau quả chất lượng cao ở Lâm Đồng... Đây là cơ sở để hình thành các trung tâm đấu giá và sở giao dịch hàng nông sản. Đến năm 2020, với tổng số vốn đầu tư dự kiến là 6.040 tỷ đồng, các địa phương sẽ tiến hành cải tạo, nâng cấp 31 chợ và xây mới 82 chợ đầu mối nông sản ở địa bàn nông thôn. Ngoài ra, sẽ xây dựng 3.000 chợ tại 3.000 xã chưa có chợ từ nay đến năm 2020 với tổng vốn đầu tư dự kiến 1.500 tỷ đồng.
Về nguồn vốn đầu tư, sẽ được huy động trên cơ sở vốn ngân sách Nhà nước (thuộc các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo) kết hợp vốn huy động từ xã hội như của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và vốn vay. Riêng chợ ở địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn thì do ngân sách Trung ương hỗ trợ.
Ông Nguyễn Xuân Chiến cho biết thêm, liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn, hiện có hơn 30 đề án của các bộ, ngành. Nhưng đề án này có thể xem là đề án đầu tiên riêng biệt chuyên về thương mại nông thôn. Trước đây, dù có nhiều giải pháp nhằm phát triển thương mại khu vực này nhưng chưa có những dự án cụ thể, cơ chế, chính sách cụ thể để giải quyết những vấn đề còn tồn tại của thương mại nông thôn, đặc biệt là địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa...
(Theo chinhphu)