Hòn Khoai bất diệt!

Cập nhật: 24-11-2020 | 07:45:18

Cách đây 80 năm, trong khí thế cách mạng hào hùng của Nam kỳ khởi nghĩa, thực hiện chỉ đạo của Xứ ủy Nam kỳ, Tỉnh ủy Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu) đã chỉ đạo chuẩn bị tiến hành khởi nghĩa và quyết định chọn Hòn Khoai (nay thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) làm điểm đột phá mở đầu. Đêm ngày 12, rạng sáng 13-12-1940, từ vùng cực Nam của Tổ quốc, cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai đã diễn ra theo đúng kế hoạch.

 Đảo tiền tiêu

Hòn Khoai cách đất liền 7,9 hải lý, thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Nằm ở cực Nam Tổ quốc, giữa trùng khơi biển cả, Hòn Khoai được ví như trạm tiền tiêu canh giữ vùng trời, vùng đất phía Tây Nam Tổ quốc. Theo lý giải, tên gọi “Hòn Khoai” đơn giản là vì nhìn xa, đảo giống như một củ khoai khổng lồ. Tổng diện tích vỏn vẹn chỉ có 4km2 nhưng Hòn Khoai mang lại vẻ đẹp cuốn hút, hấp dẫn, là một trong những hòn đảo đẹp hoang sơ, thuần khiết, nguyên bản nhất Cà Mau. Đây là một cụm nhiều đảo nhỏ đẹp như Hòn Khoai, Hòn Đồi Mồi, Hòn Đá Lẻ, Hòn Tượng.

Hành trình đến với đảo Hòn Khoai của đoàn chúng tôi không dễ dàng gì. Từ đảo Thổ Chu, tàu xuyên đêm để đến với Hòn Khoai, mà như lời của chỉ huy tàu chia sẻ: “Do nằm giữa trùng khơi nên đảo này sóng lớn nhất so với các đảo còn lại của vùng biển Tây Nam”. Và, đúng như dự báo: Dù được đánh giá là rất êm so với mọi ngày nhưng chúng tôi ai cũng thấy lâng lâng vì say sóng.

Do cầu cảng nhỏ nên từ tàu lớn chúng tôi phải tăng-po 2 chuyến tàu nhỏ hơn để lên được tới đảo. Nơi chúng tôi đặt chân đầu tiên là một bãi đá tảng cheo leo vách núi, nằm cạnh bãi đá cuội hình thù tròn trĩnh, ngộ nghĩnh như quả trứng... Để tới được đích là trạm ra đa 595 (Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân), đoàn chúng tôi phải đi bộ vượt dốc quãng đường khoảng 5km. “Mệt bở hơi tai” là cụm từ mà anh em trong đoàn chào nhau khi lên tới đỉnh.

Là trạm tiền tiêu canh giữ khúc ruột thiêng liêng không thể tách rời phía Tây Nam của Tổ quốc. Hơn ai hết những người lính trạm rađa 595 hay Đồn Biên phòng 700 không một phút lơ là ngày đêm túc trực. Mặc dù cuộc sống ở đây còn khó khăn vất vả nhưng họ vui tính, dễ thương đến lạ thường. Với sứ mệnh thiêng liêng của người lính, các anh được ví như “Lá chắn biên cương của Tổ quốc”. Hành trang các anh mang theo là bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí sắt đá, niềm tin quyết thắng được Đảng, quân đội tôi luyện qua những ngày gian khó. Đại úy Nguyễn Minh Mạng, Chính trị viên trạm rađa 595 chia sẻ: “Ở đây không có dân cư sinh sống, đời sống còn khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Nhưng với tinh thần “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, cán bộ, chiến sĩ nương tựa vào nhau để thực hiện nhiệm vụ”.

Tình yêu biển đảo

Hải đăng Hòn Khoai là một trong những công trình đèn biển có mặt sớm nhất tại hải phận Việt Nam, có tuổi đời hơn 100 năm do Pháp xây dựng. Hải đăng Hòn Khoai được xây dựng hoàn toàn bằng đá xanh. Đây chính là nơi dẫn đường cho các tàu hải quân, tàu đánh cá của ngư dân, là một trong những công trình đèn biển có mặt sớm nhất tại hải phận Việt Nam. Dù đã tồn tại gần 100 năm nhưng kiến trúc của nó vẫn còn khá nguyên vẹn. Tại tháp hải đăng này, ngày 13-12- 1940, thầy giáo, chiến sĩ cách mạng Phan Ngọc Hiển lãnh đạo quân nổi dậy khởi nghĩa Hòn Khoai giành thắng lợi, ghi mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc.

 Cùng với Nam kỳ khởi nghĩa, đêm ngày 12, rạng sáng 13-12-1940, từ vùng cực Nam của Tổ quốc, cuộc khởi nghĩa tại Hòn Khoai đã diễn ra theo đúng kế hoạch

Theo sử sách còn ghi lại, thực hiện lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy Nam kỳ, ngày 26 và 27- 11-1940, Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng tại Lung Lá Nhà Thể (nay thuộc ấp Trần Độ, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước) về triển khai kế hoạch khởi nghĩa ở 3 khu vực của tỉnh. Theo đó, đồng chí Phan Ngọc Hiển được phân công lãnh đạo trực tiếp toàn bộ cuộc khởi nghĩa tại đảo Hòn Khoai.

Qua phân tích tình hình thực tế, hội nghị đã quyết định chọn Hòn Khoai làm điểm mở đầu cho cuộc khởi nghĩa trong tỉnh. Ở đây, ta có khả năng giành thắng lợi trọn vẹn, tạo khí thế ban đầu và thu thập thêm được một số chiến lợi phẩm để bổ sung cho lực lượng của ta. Mọi công tác chuẩn bị đang khẩn trương thì ngày 12-12, Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau nhận được lệnh của Liên Tỉnh ủy Hậu Giang đình cuộc khởi nghĩa. Tỉnh ủy Cà Mau đã kịp thời chỉ đạo cho các khu vực ngừng khởi nghĩa, phân tán lực lượng, không bạo động. Riêng chi bộ ngoài đảo Hòn Khoai không có cách nào chuyển lệnh ngừng khởi nghĩa đến được.

Đúng theo kế hoạch, 21 giờ ngày 13-12-1940, lực lượng của ta đã mai phục và diệt tên sếp đảo Ôliviê, lực lượng khởi nghĩa đã thu toàn bộ vũ khí gồm 2 khẩu súng, nhiều đạn dược và quân trang, quân dụng, cuộc khởi nghĩa thắng lợi, giải phóng hoàn toàn trên đảo, ta đã làm chủ trên đảo được nhiều giờ. Lực lượng khởi nghĩa thu toàn bộ chiến lợi phẩm đưa về đất liền, tiếp tục phục vụ cho cuộc khởi nghĩa. Khi về gần đến đất liền các chiến sĩ giương cao lá cờ đỏ búa liềm và tấm băng với dòng chữ: “Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế muôn năm!”, nhân dân Rạch Gốc vui mừng hò reo chào đón đoàn quân chiến thắng.

Trong khi đó, các nơi trong tỉnh đều nhận được lệnh ngừng cuộc khởi nghĩa nên về đến đất liền, các chiến sĩ của cuộc khởi nghĩa không liên lạc được với cấp trên, với đồng đội; nhưng lực lượng khởi nghĩa đã linh hoạt, tiếp tục thừa thắng xông lên đánh chiếm đồn Kiểm Lâm ở Thủ Tam Giang, lập thêm chiến công mới.

Thất bại hoàn toàn ở đảo Hòn Khoai, thực dân Pháp đã điên cuồng truy lùng các chiến sĩ của cuộc khởi nghĩa, chúng bắt bớ hàng loạt người dân vô tội mà chúng tình nghi có liên quan đến khởi nghĩa Hòn Khoai, hòng đè bẹp tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh của nhân dân trong tỉnh. Các đồng chí tham gia khởi nghĩa Hòn Khoai vẫn cố gắng di chuyển, nhằm bảo toàn lực lượng…

Đến ngày 22-12-1940, các chiến sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai bị địch bắt ở bãi Khai Long. Trong suốt 6 tháng bị thực dân Pháp và tay sai giam cầm, tra tấn với mọi cực hình tàn bạo, nhưng với tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường của người cộng sản khát khao giành độc lập, tự do, các đồng chí vẫn giữ được khí tiết của người cách mạng. Thất bại trước sự gan dạ, dũng cảm của các chiến sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai, ngày 12-7-1941, chúng đem 10 chiến sĩ tham gia khởi nghĩa Hòn Khoai ra pháp trường. Trước cái chết, nhưng các đồng chí vẫn hiên ngang khí phách của người chiến thắng như lời đồng chí Phan Ngọc Hiển trước lúc vĩnh biệt: “... Chúng tôi là những người cộng sản coi cái chết rất bình thường. Chúng tôi sẵn sàng chết để tranh đấu cho đồng bào được ấm no, nhất định những người kế tục chúng tôi sẽ tiêu diệt thực dân Pháp! Nhất định Việt Nam sẽ hoàn toàn độc lập!...” và các chiến sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai đồng loạt hô vang khẩu hiệu: “Đả đảo đế quốc Pháp/ Đông Dương độc lập muôn năm/ Đảng cộng sản Đông Dương muôn năm”. Các đồng chí đã anh dũng hy sinh, để lại cho Đảng bộ, quân và dân Cà Mau lý tưởng sống tốt đẹp. Những tấm gương anh dũng, kiên trung, bất khuất của các chiến sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai vẫn còn vang mãi.

80 năm đã trôi qua, nhưng tinh thần tiến công cách mạng của cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai vẫn luôn bất diệt, ý chí chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vẫn luôn được Đảng bộ, dân và quân tỉnh Cà Mau noi theo. Với những chứng tích lịch sử và cảnh đẹp kỳ thú, nơi đây đã trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn, làm say lòng biết bao du khách. Hòn Khoai đang ra sức để trở thành khu du lịch sinh thái và một trong những dự án tham vọng lớn là dự án cảng biển tổng hợp Hòn Khoai - được đánh giá có ý nghĩa đặc biệt quan trọng gắn với việc đầu tư Khu kinh tế Năm Căn, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng.

 THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1737
Quay lên trên