Hơn vạn người sẽ dự 'Xuân Quê hương'

Cập nhật: 01-02-2010 | 00:00:00

 

Ngày 1-2, đoàn kiều bào tiêu biểu gồm khoảng 30 người sẽ tới chúc mừng lãnh đạo Đảng nhân kỷ niệm 80 năm thành lập Đảng CSVN và tham dự Xuân Quê hương 2010.

 

Số lượng người tham dự Xuân Quê hương 2010 sẽ đông gấp 10 lần năm ngoái. Hơn 600 kiều bào từ nước ngoài về quê ăn Tết và hơn 300 kiều bào đã về nước đầu tư và sinh sống sẽ cùng chung vui đón Tết với các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đoàn ngoại giao và đông đảo đồng bào trong nước tại Công viên Thiên đường Bảo Sơn, Hà Nội có sức chứa 11.000 người.

 

Xuân Quê hương 2009 thu hút gần 1.000 người tham dự tại Văn Miếu -Quốc Tử Giám.

Sau thành công của Xuân Quê hương 2008 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Xuân Quê hương 2009 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Xuân Quê hương 2010 sẽ được tổ chức tại Công viên Thiên đường Bảo Sơn, Hà Nội, do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở Nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, Ban chỉ đạo Quốc gia Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội và Đài truyền hình Việt Nam tổ chức với chủ đề Đêm hội Văn hóa Việt vào ngày 6-2 (tức ngày 23 tháng chạp Kỷ Sửu).

 

Đây là hoạt động mở đầu chuỗi sự kiện Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, kiều bào sẽ cùng tham gia lễ dâng hương hướng về cội nguồn dân tộc tại thềm rồng, Điện Kính Thiên, Hoàng Thành Thăng Long, vào chiều 6-2. Hoạt động này sẽ mở màn cho chương trình Xuân Quê hương kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội.

 

Sau phần phát biểu khai mạc của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, các đại biểu cùng lắng nghe văn tế các vị tiên đế Lý - Trần - Lê và dâng hương. Trước đó, cũng tại đây, bà con kiều bào sẽ tham quan lễ hội văn hóa dân gian và chợ hoa ngày Tết.

 

Đêm hội văn hóa Việt

 

Tại công viên Thiên đường Bảo Sơn, kiều bào sẽ tận hưởng không khí tết cổ truyền qua những bức thư pháp Hán Nôm quí của cố đại lão thư pháp Lê Xuân Hòa và đại lão thư pháp Lỗ Nguyên (Trung Quốc), thể hiện thơ Nhật ký trong tù của Bác Hồ cùng những hoạt động tặng chữ ngày xuân với sự tham gia của Hội Thư pháp UNESCO Việt Nam và các nhà thư pháp trẻ.

 

Kiều bào cũng được dịp chiêm ngưỡng một số tác phẩm thư pháp độc đáo như bức thư pháp bằng gỗ hình hạt gạo có kích thước 4m2 thể hiện Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi) qua đôi bàn tay tài hoa của nghệ nhân Trần Thế Kôi, nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đỉnh cao của các vùng miền như bộ sưu tập đồ đồng Đông Sơn (Trà Đồng- Thanh Hóa) của nhà sưu tập Bùi Tá Sơn, gốm đỏ Luy Lâu (Bắc Ninh) đặc sắc của nhà sưu tập Nguyễn Đăng Vông...

 

Một số tích trò dân gian ngày xuân độc đáo như Lễ hội trống đồng, cờ người, chọi gà, đu cây du xuân, cây nêu tết, hát đồng dao... sẽ tạo nên bức tranh phong phú của nền văn hóa phi vật thể Việt Nam, tạo không gian văn hóa đầm ấm, đậm sắc thái dân gian cho Xuân Quê hương.

 

Sau chiêu đãi của lãnh đạo nhà nước dành cho kiều bào và đoàn ngoại giao tại Công viên Thiên đường Bảo Sơn, kiều bào và du khách sẽ được thưởng thức các chương trình văn nghệ trong Đêm hội văn hóa Việt, cao trào của Xuân Quê hương  và được truyền hình trực tiếp.

 

Mở đầu Đêm hội văn hóa Việt, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ thực hiện nghi lễ thả cá chép và chúc tết kiều bào. Chủ đề ca ngợi quê hương đất nước thể hiện qua nhiều tiết mục được dàn dựng công phu như Hợp ca Xuân Quê hương (lời Nguyễn Thanh Sơn, nhạc Trần Phương), Hợp ca Thăng Long - Thành phố Rồng bay (Phương Linh), múa Hồn gió Việt (NSND Anh Phương), Tiếng Pháo giao thừa (cố nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát- dàn nhạc gõ Phù Đổng...).

 

Theo Tiền Phong

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên